Công nhân PouYuen bị thu 10% trợ cấp thôi việc

Tính Giao

Thích phó đà

Tổng số tiền PouYuen hỗ trợ công nhân chấm dứt hợp đồng đợt này là khoảng 275 tỷ đồng. Với từng trường hợp, khoản trợ cấp vượt mức quy định sẽ bị tính thuế thu nhập cá nhân 10%.

Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - doanh nghiệp có nhiều lao động nhất cả nước - đã chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người do khó khăn về đơn hàng. Mỗi người lao động được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc.
Như vậy, số tiền trợ cấp thấp nhất khoảng 12 triệu đồng và cao nhất lên đến 379 triệu đồng. Tổng số tiền công ty hỗ trợ cho nhóm công nhân phải chấm dứt hợp đồng đợt này khoảng 275 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing, đại diện Pouyuen cho biết số tiền trợ cấp này vẫn bị tính thuế thu nhập cá nhân. Trước đó, năm 2020 khi cắt giảm hàng nghìn lao động, công ty từng có văn bản hỏi Cục thuế TP.HCM thì được biết đây là quy định bắt buộc.
Thực tế, đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết việc tính tiền trợ cấp trong đợt cắt giảm lần này ở Pouyuen vẫn thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Theo đó, khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, Pouyuen đã trả một khoản ngoài quy định nên phải tính vào phần thu nhập chịu thuế. Cụ thể, nếu khoản trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên thì bị khấu trừ 10%.
Nói với Zing, vị này cho biết công ty Pouyuen có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động để cuối năm họ làm thủ tục khai quyết toán thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên toàn bộ thu nhập chịu thuế trong năm. Nếu số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, công nhân sẽ được hoàn trả sau này.
Từ nay đến hết tháng 3, hơn 2.300 công nhân không phải đến nhà máy làm việc nhưng vẫn được trả lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội đầy đủ. Dự kiến ngày 8/3, Pouyuen sẽ trả lương tháng 2. Đến ngày 7/4, những người này sẽ được trả lương tháng 3 và tiền hỗ trợ thôi việc.
Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1, có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 lao động.
Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75%), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng) và chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam như TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang...
Có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh, thành nợ hơn 74 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,4 triệu đồng/người. Đến nay đã giải quyết gần 18 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết hơn 56 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động.
 
Top