Mùa Hè thì phải uống bia

Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á. Dân ta uống bia vào bốn mùa, nhưng mùa Hè thì chắc chắn là uống bia vẫn… số dzách nhất.

Thường thì khi uống cà phê sáng, người ta sẽ muốn nghe một loại nhạc gì đó nhẹ nhàng và sâu lắng, khi người ta uống cà phê sáng và nói chuyện về bia thì tốt nhất là nên nghe một ca khúc sâu lắng về bia.

Nhưng vấn đề ở đây là nhạc Việt không có bài hát nào về bia cả.

Câu hát nổi tiếng và duy nhất em biết về bia, là “Hà Nội, lúc nào cũng vui, rủ nhau ra phố, bia hơi vỉa hè” trong “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến. Nhạc về rượu, về nắng, gió, mưa, đường phố, nhà cao tầng và thậm chí là ngành than hay ngành dầu khí cũng nhiều, thế mà bia thì không.

Đây là một vấn đề hết sức bất cập nếu xét đến việc Việt Nam là một trong những nước có lượng tiêu thụ bia lớn nhất thế giới. Chủ của hãng Heineken hồi sang Việt Nam năm 2011 còn tuyên bố là đến năm 2015 dự kiến nước ta sẽ trở thành thị trường số 1 của hãng này.
178490
Dân ta vui uống bia để chia vui. Buồn uống bia để giải sầu. Nóng thì nên uống bia cho mát. Mà trời lạnh thì tốt nhất cũng không nên đi ra đường làm gì cho nó gió máy, cứ chui vào quán, uống rượu thì hơi nặng quá, chốc còn lái xe, gọi tạm chai bia ra đây anh em mình ngồi tán chuyện.

Bia đi vào văn chương. Nhà văn Tô Hoài từng có một áng văn rất xúc động về cái cốc uống bia. Cái cốc thủy tinh xanh mỏng toẹt đựng bia hơi ở bờ hồ Thiền Quang, cụng ly mạnh là vỡ, ông nhà văn nghèo tiện tay cho luôn vào ba lô rồi đi công tác miền núi. Đi lên đấy, ông vào nhà người dân tộc, rồi cho người ta hai cái cốc thủy tinh rẻ tiền ấy.

Hai mươi năm sau, ông lại lên nơi ấy, lại vào căn nhà ấy. Người con trai mời ông uống nước bằng chính cái cốc thủy tinh ấy. Anh bảo ông, bố dặn là cốc này cán bộ cho, quý lắm, phải giữ cho con cháu.

Bia đi vào sân khấu, điện ảnh, đi vào quảng cáo thuốc tiêu độc mát gan. Bia là tiền đề của những tình yêu, những cuộc ly biệt, những hợp đồng kinh tế lớn và tất nhiên là tiền đề của nhiều loại tội ác. Đơn giản nhất là những cái cốc cái chai đã được đúc dày dặn hơn thời của Tô Hoài, đem đập vào đầu nhau trong cơn say.

Thế mà âm nhạc thì tẩy chay bia. Cả một khía cạnh văn hóa vĩ đại như thế mà thờ ơ.

Có thể là họ cho rằng nhiệm vụ của mình là đi sáng tác về những cái lá vàng, những rừng, núi, tháp cổ và tình yêu, thứ không có được trong quán bia. Vì cả dân số đi uống bia rồi thì phải làm sao đem cuộc sống vào quán bia, đến thính giả đang uống bia chứ.

Vừa uống bia vừa nghe “Chiếc khăn piêu” hay là “Chuồn chuồn ớt” thì nó mới thú làm sao. Anh nói cho chú biết, chuồn chuồn ớt là loại phải bé, đỏ sậm, còn loại mà to gần bằng ngón tay út màu cam là con đấy bị đột biến gien. Anh nhớ đồng quê với ông bác già dưới quê lắm. Cả đời ông ấy chỉ mong được lên Hà Nội chơi một lần, anh lại bận quá. Mà nhân tiện nói đến Hà nội, hết mất Ken rồi, tủ lạnh còn mấy lon Hà Nội, anh lấy nốt ra nhé.

Còn có nhạc về bia hay không thì Hà Nội, lúc nào cũng vui rồi. Có nhạc về bia hay không thì đằng nào chúng ta chẳng uống bia cho ông chủ tịch Heineken lác mắt.

Đấy là em biện minh hộ nhạc sỹ thế thôi. Chứ em vẫn thấy đây là vấn đề rất bất cập.
 
Top