Sự đố kị diễn ra như thế nào ?

1624658097105.png
“Sự ghen tị với những người khác sẽ nuốt chửng chúng ta” (Aleksandr Solzhenitsyn, Gulag Archipelago)

Từ thời Hy Lạp cổ đại, vô số triết gia đã suy ngẫm về bản chất của sự đố kị, hay những gì Immanuel Kant mô tả là “khuynh hướng nhận thức tiêu cực về mặt tốt của người khác”

Các tác giả như Aristotle, Aquinas, Adam Smith, Schopenhauer hoặc Nietzsche, đều kết luận tương tự : ghen tị là một trạng thái tâm lý phá hoại và bệnh hoạn, gây hại cho kẻ đố kỵ, người bị nhắm đến và toàn xã hội.

Nhưng ngày nay, sự ghen tị cá nhân đã được các chính trị gia biến thành một “đức hạnh” tốt. Bằng cách điều khiển xu hướng ghen tị của con người, các chính trị gia đã tận dụng một phương tiện rất hiệu quả để nắm quyền và kiểm soát đối với phần đông dân số, vốn không mảy may nghi ngờ. Chúng ta sẽ xem xét hiện tượng này và nhìn vào bản chất của sự đố kị nói chung. Tại sao những nỗ lực thực thi tính đồng nhất (uniformity), trớ trêu thay, lại trầm trọng hóa sự ghen ăn tức ở và làm thế nào những người bị ảnh hưởng bởi sự tị nạnh, vì hạnh phúc của chính họ, cố gắng tự thoát khỏi nó ?

Ghen tị là một cảm xúc có định hướng, nói cách khác, nó bao gồm sự tồn tại của hai hoặc nhiều người: kẻ đố kị trải nghiệm cảm xúc, và nạn nhân là mục tiêu của cảm xúc đó.

“Người ghen tị thể hiện tâm trí dằn vặt và nội tâm dày vò, bất mãn khi nhìn thấy người khác thịnh vượng và có lợi thế và bắt bẻ họ bằng những điều này. Người tị nạnh còn mong muốn phá hủy hoặc sở hữu chúng” (Grimm’s German Dictionary)

Một quan niệm sai lầm phổ biến là nhầm lẫn sự đố kị với phẫn nộ. Trong tác phẩm Rhetoric, Aristotle nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai khái niệm:

“Người phẫn nộ cảm thấy tức giận trước sự thịnh vượng của những kẻ không xứng đáng, và sự ghen tị của người khác về điều đó” – (Rhetoric, Aristotle)

Hoặc đơn giản hơn:

“Phẫn nộ được sinh ra trước sự thịnh vượng của những kẻ ác, ghen tị là trước hạnh phúc của những người tốt” – (Rhetoric, Aristotle)
Trái ngược với đố kị, phẫn nộ không phải là tật xấu vì nó bắt nguồn từ mong muốn công lý. Sự ghen tị, mặt khác, theo Schopenhauer, bắt nguồn từ :

“Sự so sánh không thể tránh khỏi giữa tình huống của chúng ta và người khác” – (Essays and Aphorisms, Arthur Schopenhauer)

Khi so sánh với người khác, sự thấp kém của chúng ta phơi lộ ra – VD về sự giàu có, tài sản, đặc điểm tinh thần hoặc thể chất – điều này tạo ra sự đố kị nếu chúng ta tin rằng những gì mình thiếu thốn tạo ra sự bất hạnh tương đối.

Cá nhân bị kìm kẹp bởi sự đố kị xem những kẻ vượt trội hơn họ là kẻ thù. Thay vì tập trung vào việc cải thiện bản thân, người ghen tị tin rằng con đường hạnh phúc của họ gắn liền với số phận của những người mà họ ghen tị. Nói cách khác, họ tin rằng bằng cách nào đó hạnh phúc của họ sẽ được tăng lên nếu dìm người khác xuống.

Mong muốn nhìn thấy người khác bị hạ bệ không thúc đẩy mà còn cản trở sự tiến bộ xã hội. Những người bị nuốt chửng bởi sự đố kị không có khả năng trở thành những nhà phát minh, nghệ sĩ, nhà văn, doanh nhân hoặc nhà khoa học vĩ đại giúp ích cho đời. Thay vào đó, họ coi thường những ai có tài năng lớn, vì những người tài giỏi chỉ làm cho sự thấp kém của kẻ đố kị trở nên rõ ràng hơn.

Bản chất phá hoại của sự đố kị đã làm cho việc sử dụng các thể chế và cách thức thực tiễn để ngăn chặn tác động của nó trở nên cực kỳ phổ biến trong suốt lịch sử. Như Helmut Schoeck nói trong cuốn sách “Envy: A Theory of Social Behavior” :

“…không có xã hội nào tồn tại mà trong đó sự đố kị được nâng lên thành chuẩn đức hạnh bình thường. Ngay cả sự mê tín của những xã hội đơn giản, coi sự đố kị là một căn bệnh, người đố kị như bị mắc bệnh hiểm nghèo – một khối ung nhọt phải được cách ly khỏi các cá nhân và hội nhóm. Không ở đâu, với rất ít ngoại lệ, chúng ta thấy xã hội phải tự thích nghi với người đố kị, nhưng luôn phải tìm cách tự bảo vệ mình trước anh ta” (Envy: A Theory of Social Behaviour, Helmut Schoeck)

Nhưng có một sự đồi trụy nguy hiểm đang diễn ra một cách hỗn loạn trong thế giới hiện đại. Thay vì dùng các bài thực hành và thể chế để ngăn chặn tác động của sự đố kị, Gonzalo Fernandez de la Mora trong cuốn sách “Egalitarian Envy” của mình, cảnh báo các chính trị gia đang châm ngòi cho sự ghen tị vì mục đích giành quyền lực và kiểm soát xã hội Tây phương.

Hiện tượng này xuất hiện tương đối gần đây, từ khoảng cuối thế kỷ 19 và sự phát triển của các công nghệ truyền thông đại chúng. Trước khi xuất hiện những công nghệ này, sự đố kị đã được định hướng, gần như độc quyền, đến thành viên trong cộng đồng của một cá nhân. Chẳng hạn, một người sống ở châu Âu vào thế kỷ 17, sẽ chẳng ghen tị với sự giàu có của một vị hoàng đế ở vùng đất xa xôi, vì điều kiện phát sinh tính đố kị là quan sát hạnh phúc của người khác. Tuy nhiên, sự đua nở của truyền thông đại chúng đã thay đổi tình trạng này. Bây giờ chúng ta có thể quan sát một cách mật thiết cuộc sống của những người xa lạ và ghen ăn tức ở với hạnh phúc của họ. de La Mora giải thích tầm hệ trọng của tình huống này :

Người đương đại bị ảnh hưởng bởi lượng lớn các thông tin từ truyền thông đại chúng; do đó, mọi người có thể có ý kiến về hạnh phúc của những người họ chưa từng gặp hoặc nhóm người mà họ không thuộc về; do kết quả của những cảm xúc này, họ có thể ghen tị. Khả năng này trở thành xác suất nếu như theo thông lệ, các thông tin được phân phối có chủ đích đến một nhóm người, cố tình chỉnh sửa, làm bí ẩn hoặc đơn giản là được thiên vị, định hướng để đưa ra sự khác biệt giữa các cá nhân… Người ta không ghen tị với người này hay người kia, mà là một thứ trừu tượng, như là “người giàu có” hay “tầng lớp ưu tứu” ” (Gonzalo Fernandez de la Mora, Egalitarian Envy)

Bằng cách thúc đẩy và kích thích sự đố kị, mâu thuẫn có thể châm ngòi cho xung đột và biến chúng ta thành nạn nhân tiềm năng – vì ai cũng không thấy mình thua kém một nhóm người được lý tưởng hóa. Nhưng những người ghen tị theo cách tập thể này, và đặc biệt là những người quảng bá nó, sẽ không bao giờ thừa nhận động cơ thực sự của họ, như de La Mora nói trong một đoạn văn cực kỳ phù hợp với thời hiện đại:

” “công bằng xã hội – social justice” chính là sự cải trang đương thời của sự đố kị tập thể. Quan niệm này hoạt động thế nào ? Một định đề cơ bản được thiết lập rằng: xã hội càng công bằng thì các thành viên của nó càng bình đẳng về cơ hội, vị trí và sự giàu có; và ngay lập tức cả nhóm sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ để đạt được công lý như vậy” (Gonzalo Fernandez de la Mora, Egalitarian Envy)

Nhưng công bằng xã hội, hoặc nỗ lực làm cho tất cả chúng ta bình đẳng hơn bằng cách sử dụng lực lượng của nhà nước, không khiến một xã hội ít bị chi phối bởi sự tị nánh. Trong thực tế, khi tính đồng nhất không tự nhiên này được thực thi trên một xã hội, những nguồn đố kị mới sẽ xuất hiện và điều này còn nguy hiểm hơn nhiều. Ví dụ, nếu ai cũng bằng nhau về sự giàu có vật chất, thì thói ghen ăn tức ở cũng vẫn còn đó. Những người đố kị sẽ hướng sự chú ý của họ đến các dạng bất bình đẳng khác, chẳng hạn về đặc điểm tinh thần và thể chất. Schopenhauer cảnh báo về loại đố kị này:

“Sự đố kị chống lại phẩm chất cá nhân của người khác là vô độ và độc hại nhất bởi vì người đố kị sẽ ở trong trại thái vô vọng; nó cũng là loại đố kị thấp hèn nhất vì nó gây thù ghét những gì đáng lý phải được yêu thương và tôn trọng” – (Arthur Schopenhauer)

Ngoài mang lại những hình thức đố kị nguy hiểm hơn, những xã hội trở thành nạn nhân của lời kêu gọi dân chủ cho sự bình đẳng, trớ trêu thay, lại hứng chịu sự nảy nở của các hình thức bất bình đẳng ngớ ngẩn nhất có thể – một sự bất bình đẳng lớn về quyền lực giữa giới cầm quyền và phần còn lại dân số. Để thực hiện tốt lời hứa làm cho thế giới công bằng và ngày càng bình đẳng hơn, các chính phủ phải được trao quyền lực to lớn để tái lập xã hội.

Nhưng với tất cả những gì đã nói, chúng ta có quyền chọn lựa để không trở thành nạn nhân của mưu đồ chính trị này. Thay vì xem những bất cập cá nhân là lý do để hạ bệ người khác, chúng ta có thể chọn các phản ứng mang tính xây dựng hơn như thi đua và tự cải thiện. Thi đua diễn ra khi một người nhận ra sự kém cỏi của bản thân và không xem những người tài giỏi như kẻ thù, mà là tấm gương để học hỏi và có thêm động lực. Thay vì muốn san bằng tất cả, thi đua khiến một người tự nâng mình lên đến mức tốt nhất, hoặc thậm chí vượt qua những người họ từng ngưỡng mộ. Kierkegaard lưu ý rằng “ghen tị là sự ngưỡng mộ bị che giấu” và do đó, tự cải thiện có thể được xem là phản ứng tích cực đối với các nguyên nhân gây ra sự đố kị.

Chấp nhận sự yếu kém với mong muốn cải thiện bản thân, không chỉ tốt cho cá nhân mà còn cho toàn xã hội. Có nghĩa là nhiều người sẽ tập trung vào việc tạo ra những thứ mới hơn và tốt hơn, thay vì phá hủy kẻ khác. Nhưng theo Nietzsche, nếu xã hội tiếp tục tụt dốc theo con đường được dẫn dắt bởi sự khoa trương ghen tị mang tính mị dân, chúng ta sẽ đạt đến một điểm mà mọi người trở nên phẫn nộ với những người khác… đến nỗi ngay cả những người hạnh phúc cũng tự hỏi liệu họ có quyền hạnh phúc hay không:

“All men of resentment, are these physiologically distorted and worm-riddled persons, a whole quivering kingdom of burrowing revenge, indefatigable and insatiable in its outbursts against the happy, and equally so in disguises for revenge, in pretexts for revenge: when will they really reach their final, fondest, most sublime triumph of revenge? At that time, doubtless, when they succeed in pushing their own misery, indeed all misery there is, into the consciousness of the happy; so that the latter begin one day to be ashamed of their happiness, and perchance say to themselves when they meet, ‘It is a shame to be happy! There is too much misery!” (On the Genealogy of Morality, Nietzsche)
 
Top