Sự im lặng và tự sỉ nhục bản thân: Khác biệt văn hoá của người Châu Á và Phương Tây

“Khi một người cảm thấy bản thân thật “nhục”, thật tội lỗi và thất bại, không xứng đáng với điều này điều khác - nguyên nhân chủ yếu là vì họ thất bại trong việc đạt lấy tiêu chuẩn nào đó của xã hội.“

(“Most classical shame events simply center on failing to meet a minimum standard for social acceptability.")

Trước khi vào bài viết, mình xin nhắc rằng đây là bài viết viết trên các bài nghiên cứu khoa học mà mình tin là đúng. Còn thật ra khoa học không hề đúng hoàn toàn cũng như không hề sai hoàn toàn, đúng hay không tùy thuộc vào sự nhận thức của mỗi cá nhân. Ở đây mình muốn nhấn mạnh vì sao người Phương Đông lại dễ bị gục ngã và buồn tủi vì cảm giác “tủi nhục” và “xấu hổ” hơn là người Phương Tây và lí do tại sao. Nhưng không có nghĩa là mình đang chỉ trích văn hoá, vì nếu nhìn về mặt sáng thì Phương Đông và Phương Tây luôn có những khác biệt rõ rệt và tạo ra những mức độ đạo đức nhất định trong lối sống con người.

Vậy, định nghĩa của cảm giác “Sợ bị mất mặt” ở Phương Đông là gì? Và cái gì là “mặt” ở đây? Đó là một quy chuẩn của xã hội, là danh tiếng, là nhân phẩm và danh dự của họ và gia đình.

Ở xã hội Phương tây, khi một người thất bại trong việc đạt được ước muốn hay thành tích nào đó cho bản thân họ, họ sẽ thấy tội lỗi, nhục nhã với bản thân mình. Nhưng ở xã hội Châu Á, một người cảm thấy bản thân mình yếu đuối và nhu nhược khi không thể làm theo được theo quy định hay định kiến xã hội. Khi họ “mất mặt”, họ mất đi “danh dự, nhân phẩm etc” và ngược lại.

73318477_3066610370020188_5447427173226905600_n_jpg.jpeg


Khi một người Phương tây thất bại trong một việc gì đó, họ có lỗi với bản thân họ. Nhưng khi một người Châu Á không thể đạt được điều gì đó trong cuộc sống, họ cảm thấy rằng họ tự làm nhục tất cả những người xung quanh mình.

Khi một người luôn sống trong sự bảo bọc quá mức của gia đình, hay thậm chí khi họ muốn thoát ra, họ cũng không được phép, điều này khiến họ lớn lên thành một người luôn sợ hãi khi phải tự quyết định một điều gì đó cho bản thân. Bởi vì luôn cần sự đồng ý của người khác, quá dựa dẫm vào lời khuyên của người khác, họ thiếu đi sự độc lập và phủ nhận luôn rằng bản thân họ cũng có một phần não dùng để điều khiển ý thức chỉ dành cho riêng họ. Để rồi họ luôn sợ hãi sự cô đơn, sợ sẽ làm gì đó sai lầm, vì khi họ mắc sai lầm họ sẽ mang lại tai tiếng cho cả gia đình. Họ phải chọn làm mọi việc một cách “an toàn nhất có thể”.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong hai nền văn hoá là: ở Châu Âu hoặc Mỹ, họ sống vây quanh “I” - bản thân họ, mọi việc họ nghĩ, họ làm hoặc hạnh phúc đều là vì bản thân họ trước. Tuy nhiên, ở nền văn hoá coi trọng sự hoà hợp trong các mối quan hệ như chúng ta, xoay quanh chữ “we” - “chúng ta”. Mọi sự chúng ta làm đều nên nghĩ cho người khác, phải xem thử những người xung quanh sẽ nghĩ thế nào, sẽ đánh giá sẽ cảm nhận như thế nào trước khi suy xét xem bản thân mình ao ước được làm điều đó bao nhiêu.

Ở Phương Đông, nhiều bạn trẻ luôn sống chung với bố mẹ cho đến lúc lấy vợ gả chồng, thậm chí nhiều người cả đời cho đến tận lúc kết hôn vẫn ở chung với bố mẹ. Chữ Hiếu luôn đi đầu trong văn hoá Phương Đông, đây là một sự thiêng liêng trong văn hoá của chúng ta. Thế nhưng có nhiều người nghĩ sai về nó, hiếu thảo với bố mẹ không phải là để họ tự hào hay phải luôn kè kè chăm sóc họ, mà là bạn sống vui vẻ và bạn làm họ vui vẻ. Điều này không bàn đến, vì đất nước chúng ta cần thêm vài chục năm nữa để nhìn thấy sự thay đổi độc lập hơn về mối quan hệ gia đình giữa bố mẹ và con cái .

Một điều khác nữa khiến người trẻ Phương Đông không dám thể hiện cảm xúc của bản thân là vì họ lớn lên với sự kỉ luật, với những điều không thể không thực hiện, với những câu nói đầy phức tạp có thể đánh vào trái tim yếu ớt của trẻ em từ người lớn. Ví dụ khi một người mẹ ở Phương Tây thấy con họ hoàn thành tốt một bài kiểm tra và tỏ ra vui vẻ, bà ấy sẽ nói “con thật thông minh”, thì ngược lại một người mẹ Á Đông sẽ khó khen đứa trẻ hơn là hỏi lại một câu “con có hiểu câu hỏi không? Hay con đã đoán câu trả lời?” (Ng, Pomerantz, & Lam, 2007). Điều này có thể nhận thấy rằng phụ huynh ở xã hội Phương tây thường tập trung vào cảm xúc tích cực của con cái hơn là chỉnh sửa xem con cái họ sẽ ăn mừng như thế nào thì hợp lý hoặc “đừng vui mừng quá sớm” .

Khi đó, đứa trẻ sẽ học được rằng mọi chuyện chúng làm đều không bao giờ là đủ, sẽ không thể đạt đủ tiêu chuẩn để lấy được sự công nhận từ bố mẹ, dù chỉ là một nụ cười. Cho nên khi trưởng thành và ra ngoài xã hội, đứa trẻ ấy luôn cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ giá trị, không đủ tài năng, không xứng có được hạnh phúc hay sống cho bản thân mình. Họ khao khát mãi một điều, đó là “sự công nhận”. Cảm xúc này được gọi là, “shame”, sau sự “tủi nhục” thì sẽ là sự giận dữ dành cho bản thân mình.

Cảm xúc cá nhân là điều không được coi trọng hàng đầu ở xã hội cũ Phương Đông, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực có thể gây “ảnh hưởng” đến người khác, họ rất sợ khi phải nói “không”. Cho dù là bước vào quán ăn, họ không nói rằng món ăn đó hôm nay hoặc vài ngày tới không bán , mà chỉ nói là hết rồi (?). Do đó, nhiều người bệnh và gia đình họ rất sợ hãi và tủi nhục khi biết bản thân hoặc người nhà có các căn bệnh tâm lý ảnh hưởng đến sinh hoạt và nhận thức hằng ngày,họ sợ rằng điều này “không bình thường” trong vòng tròn xã hội mà ai cũng “bình thường” kia. Thậm chí bệnh tâm thần là một điều sẽ bị kì thị, gia đình đó sẽ bị đánh giá là kém cỏi hoặc có vấn đề trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái.

Có một trường hợp bệnh nhận là người Châu Á đến trị liệu tâm lý và muốn chữa các hành vi nghiện cocain của bản thân. Anh ta bộc bạch với nhà trị liệu rằng từ lúc còn nhỏ, bố mẹ anh ta luôn tỏ ra không hài lòng nếu như anh dám bộc lộ cảm xúc tiêu cực như “giận dữ”, “sợ hãi”, “cần sự giúp đỡ” hay “buồn bã”. Vì không được giải thích rõ các cảm xúc và cách điều khiển những cảm xúc ấy, khi lớn lên anh ta phải dùng đến các chất kích thích như rượu bia hoặc ma tuý để có thể giải toả những cảm xúc mà bản thân anh không biết cách thấu hiểu, không biết cách thổ lộ.

Nhưng cho dù ở xã hội nào, thì sự tủi nhục đều mang lại đau khổ cho người chịu đựng nó. Và cảm giác tủi nhục, cảm thấy mình không xứng đáng này là một trong những cảm giác cơ bản để một người mắc phải các bệnh tâm lý hoặc rối loạn tính cách. Đây là cảm xúc tiêu cực thúc đẩy họ không dám làm chính mình, mọi cách hành xử, lời nói và mục đích sống của họ đều phải vì người khác, hoặc bắt chước người khác.

Vậy làm cách nào để một người Phương Đông từ nhỏ lớn lên với cảm giác phải kiềm chế mọi thứ, không dám thể hiện cảm xúc, luôn thấy tủi nhục có thể thay đổi? Đó là phải thay đổi từ bên trong. Vì những điều làm họ đau khổ đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài, dù những kí ức cũ khiến họ trở nên như vậy nhưng chính nhận thức và tiềm thức ẩn khiến họ chọn cách an toàn đó là giấu đi cảm xúc thực sự.

Nếu như có thể tìm được một khoảng trống trong tâm hồn, thử hỏi bản thân có đang vui vẻ không, có muốn thay đổi không? Nếu như có, thì độc lập trong tư tưởng và cuộc sống là cách tốt nhất để họ có thể nhìn thấy ánh sáng.

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychology facts - Tâm lý học Việt Nam
 
Top