Thái Bình sẽ xử lý nghiêm đối tượng đăng tin sai sự thật về lễ hội đền Trần

Tính Giao

Thích phó đà

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh cho biết đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối tượng cố tình đăng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về lễ hội đền Trần ở Thái Bình; làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của tỉnh và giá trị truyền thống vốn có của lễ hội.​

Toàn bộ băng rôn, pano tuyên truyền về lễ hội đền Trần được kiểm duyệt chặt chẽ​

Lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là lễ hội lớn của tỉnh Thái Bình, diễn ra từ ngày 3-7/2/2023 (13-17 tháng Giêng năm Quý Mão) tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.
Tối 4/2, tấm biển quảng cáo "lạ" về đền Trần Thái Bình với nội dung "Lễ hội đền Trần Thái Bình di sản văn hóa vật thể phi quốc gia" bỗng dưng được lan truyền trên mạng xã hội. Ngay sau đó, nhiều người tỏ ra bất ngờ và có bình luận ác ý về nội dung quảng cáo trên.
Thái Bình sẽ xử lý nghiêm đối tượng đăng tin sai sự thật về lễ hội đền Trần - Ảnh 1.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình
Thông tin với báo chí về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh, cho biết: Năm 2023 là năm đầu tiên Lễ hội đền Trần được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh. Vì vậy, công tác tổ chức lễ hội được ban tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, trang trọng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng; mong muốn tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân địa phương và du khách thập phương khi đến với lễ hội đền Trần.
Toàn bộ hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, pano tuyên truyền về lễ hội được Ban tổ chức duyệt kỹ lưỡng về nội dung, được thiết kế trang trọng, đẹp mắt, treo ở tất cả các cửa ngõ ra vào tỉnh, các trục đường giao thống chính dẫn về đền Trần.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh
Thái Bình sẽ xử lý nghiêm đối tượng đăng tin sai sự thật về lễ hội đền Trần - Ảnh 3.
Các tấm biển tuyên truyền về lễ hội Đến Trần năm 2023. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thái Bình
"Vì vậy, đối với những đối tượng cố tình đăng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm để không gây hiểu nhầm và tạo dư luận xấu trong nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của tỉnh và giá trị truyền thống vốn có của lễ hội", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình nhấn mạnh.
Thái Bình sẽ xử lý nghiêm đối tượng đăng tin sai sự thật về lễ hội đền Trần - Ảnh 4.
Tối 4/2, tấm biển quảng cáo về đền Trần Thái Bình với nội dung "Lễ hội đền Trần Thái Bình di sản văn hóa vật thể phi quốc gia" bỗng dưng được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thái Bình

Bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội đền Trần​

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau lễ hội, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã chủ động xây dựng các phương án.
Những ngày đầu xuân mới, đông đảo du khách thập phương và nhân dân đã về du xuân và dâng hương tưởng niệm tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Do đó, việc kinh doanh phục vụ du khách đã được Ủy ban nhân dân xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà khẩn trương khảo sát và xây dựng phương án bố trí cụ thể.
Trả lời báo chí, ông Hoàng Đình Nhưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Đức cho biết: Địa phương đã thông báo cho các hộ có nhu cầu kinh doanh để đăng ký, qua đó tổng hợp phân lô ki ốt, phân lô kinh doanh theo các trục đường và ven sân, trong sân theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đồng thời tiến hành đăng ký, bốc thăm và bố trí từng hộ theo thứ tự, không để xảy ra tranh chấp. Địa phương cũng phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định.
Thái Bình sẽ xử lý nghiêm đối tượng đăng tin sai sự thật về lễ hội đền Trần - Ảnh 5.
Tối ngày 03/02 (ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) đã diễn ra lễ khai mạc lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình
Tại các khu vực sân trước đền Vua, sân lễ hội không để xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh, các cá nhân bán hàng tạp hóa làm ảnh hưởng đến các hoạt động của lễ hội, đặc biệt là những người bán hương rong tại sân làm mất mỹ quan khu vực tâm linh. Phân công 1 tổ gồm 3 người thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và làm tốt việc điều hành bố trí các hộ kinh doanh tại khu vực đền Trần.
Cùng với đó, công tác bảo vệ, trông coi phương tiện cho du khách cũng đã được công an địa phương xây dựng phương án cụ thể, tránh để xảy ra tình trạng nhầm lẫn, mất xe của du khách. Chủ động in, phát hành vé giữ xe theo đúng quy định của Bộ Tài chính; tổ chức phân công 2 điểm trông giữ xe ô tô, 4 điểm trông giữ xe máy, xe đạp. Đồng thời, huy động lực lượng bảo vệ trông xe trong những ngày lễ hội.
Thái Bình sẽ xử lý nghiêm đối tượng đăng tin sai sự thật về lễ hội đền Trần - Ảnh 6.
Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình
Theo kế hoạch, ngoài phần lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần; tế mở cửa đền; lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam tại đền thờ các vua Trần; lễ rước thủy và rước bộ..., lễ hội đền Trần còn diễn ra nhiều hoạt động như thi cỗ cá, pháo đất, gói bánh chưng, kéo lửa nấu cơm cần, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật mừng Đảng, mừng xuân, giải kéo co, liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà, ngày thơ Việt Nam...
Do đó, Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm và tụ điểm phức tạp. Chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phần tử xấu và các loại tội phạm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại lễ hội, Công an huyện Hưng Hà chỉ đạo các đội nghiệp vụ phân công cụ thể lực lượng ứng trực sẵn sàng cơ động để tăng cường phối hợp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn lễ hội, phục vụ nhân dân và du khách thập phương.
Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc phủ Long Hưng xưa, là vùng đất có vị thế địa - kinh tế - chính trị - văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời Trần và lịch sử dân tộc, là hậu phương, nền tảng vững chắc, để của nhà Trần thay thế vai trò chính trị của nhà Lý. Di tích gồm ba phân khu chính: Khu lăng mộ, khu đền thờ và khu di tích khảo cổ học
Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích còn được biểu hiện qua lễ hội truyền thống, được tổ chức thường niên tại khu vực đền thờ các vua Trần từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng. Ngoài nghi thức rước nước và tế tự, trong hội còn có nhiều tục, lệ, trò diễn dân gian, như thi cỗ cá, vật cầu, đấu gậy, thả diều, chọi gà, nấu cơm cần..., đặc biệt là những sinh hoạt văn hoá gắn với tục kết chạ giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Bình và khu vực, có sức hấp dẫn đặc biệt đối cộng đồng và du khách.
Trong suốt chiều dài lịch sử, di tích luôn đóng vai trò là một trung tâm sinh hoạt văn hóa đặc biệt quan trọng của nhân dân sở tại và vùng phụ cận. Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa nơi đây sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ.
 
Top