Trân quý hiện tại và những người xung quanh mình

Đời người vốn nhiều đau khổ lại ngắn ngủi, đối mặt với sự trôi qua như vô tình của thời gian, chúng ta phải làm sao để quý tiếc nhân sinh ngắn ngủi lại gấp gáp này? Kỳ thực, việc tương lai không thể biết trước, việc quá khứ không thể truy tìm, bất kể là ánh mặt trời sáng lạn hay là tụ tán vô thường thì hiếu kính cha mẹ, chăm sóc chu đáo cho gia đình và biến mỗi ngày thức dậy là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời, đó mới là điều đáng trân trọng nhất.

Trong một lần yến tiệc, thi nhân thời Bắc Tống, Án Thù đã sáng tác một bài thơ:

Nhất hướng niên quang hữu hạn thân
Đẳng nhàn li biệt dịch tiêu hồn
Tửu diên ca tịch mạc từ tần.
Mãn mục sơn hà không niệm viễn
Lạc hoa phong vũ canh thương xuân
Bất như liên thủ nhãn tiền nhân.

Nội dung của bài thơ là nói rằng thời gian trôi qua trong chốc lát, sinh mệnh thì hữu hạn, tựa như nước sông đã trôi qua là không trở lại nữa. Đời người ly biệt nhiều tụ hợp ít, chia ly thường xuyên dễ gây nên nỗi buồn, chi bằng uống rượu ca hát, tận hưởng niềm vui trước mắt, trò chuyện thăm hỏi những người bên mình. Phóng tầm mắt nhìn ra núi non xa xa, nhớ về bạn bè, nhìn hoa bay theo gió mưa trong sân, buồn vì mùa xuân thoáng qua, chi bằng hãy thương cảm những người trước mặt mình còn hơn.

Bài thơ của Án Thù trầm tĩnh, cởi mở, có sức lay động lòng người. Trải qua nhiều năm thăng trầm trên con đường làm quan, Án Thù cảm ngộ sâu sắc được những cảnh vật tự nhiên như sự phai tàn của hoa và sự trôi qua của mùa xuân. Ông phát hiện ra rằng hết thảy biến hóa của sự vật đều không thể chống lại được quy luật của tự nhiên. Vì thế, ông thấy bản thân không cần phải tiếc hận, lưu luyến những ngày tháng đã qua. Có những sự việc đã là sự thật rồi, nghĩ nhiều cũng chỉ phiền não mà thôi. Câu cuối: “Lạc hoa phong vũ canh thương xuân. Bất như liên thủ nhãn tiền nhân”, nhìn như bình thường nhưng lại có những cảm xúc vô cùng sâu sắc và nhạy cảm, phản ánh nhân sinh quan của ông: Con người nên đối mặt với sự thật, nắm chắc hiện tại trong tay, sầu não về những chuyện ngoài tầm với hoặc những sự tình không thể vãn hồi là điều phí công vô ích.

Sau khi bị giáng chức và được trở lại triều đình, Án Thù không còn thể hiện tài năng, dương dương tự đắc mà là càng thêm giấu tài, sống bình dị dễ gần. Đây là triết lý sống mà Án Thù đã nhận ra sau khi tổng kết cuộc đời mình: Hết thảy những sự vật vốn định phải trôi đi thì nhất định sẽ phải trôi đi, hết thảy những sự vật vốn định phải tồn tại thì nhất định sẽ xuất hiện. Cho nên, thứ gì của mình thì sẽ là của mình, trốn tránh cũng không được, thứ không phải của mình thì cưỡng cầu cũng không được.

Án Thù là nhân vật hàng đầu trong giới văn học Bắc Tống. Khi lên bảy tuổi, ông đã biết viết văn, mới 14 tuổi, ông đã được đặc cách đề cử, tham gia thi đình cùng hơn một nghìn người. Trên trường thi, Án Thù khí định thần nhàn, điềm tĩnh, thoải mái hoàn thành bài thi một cách nhanh chóng. Hoàng đế vô cùng tán thưởng Án Thù, ban cho ông là “Đồng tiến sĩ xuất thân”.

Trong triều đình, Án Thù rất được Hoàng đế coi trọng. Con đường làm quan của ông tương đối suôn sẻ, thông thuận, được phong chức từ sớm và được làm đến chức Tể tướng. Ông không chỉ làm quan cao mà còn rất vui vẻ dìu dắt người sau. Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Phạm Trọng Yêm và một số văn nhân danh thần khác đều là môn sinh của ông.

Về viết thơ, Án Thù có khoảng 300 bài. Tuy nhiên, trong các sáng tác của Án Thù thì có rất ít lời phàn nàn, chán nản, buồn bã và tức giận thường thấy trong các tác phẩm của các văn nhân khác. Các sáng tác từ của ông đều thể hiện phong thái thong dong, thanh nhã, không biểu hiện cảm xúc kịch liệt dữ dội, thường được ví như “châu tròn ngọc sáng”.

Có người nói rằng Án Thù cả đời được hưởng giàu sang nên mới có được phong thái của người phú quý, tao nhã như vậy. Cả đời giàu sang ám chỉ rằng ông lúc 14 tuổi đã được phong làm tiến sĩ, năm 31 tuổi đã trở thành người có quyền chỉ sau tể tướng. Nhưng kỳ thực, trong cuộc đời làm quan của mình, Án Thù từng bị giáng chức 3 lần và bị chuyển đến nơi khác trong khoảng 16 năm.

Trong cuộc sống, rất nhiều nhân vật nắm giữ quyền hành bị chấp nhất bởi việc gìn giữ của cải gia đình hoặc cũng có người lao lực làm việc ngày đêm vì quốc sự. Nhưng Án Thù lại khác, ông lại có thể cảm nhận được những vấn đề lớn như bản chất của cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời, sự hữu hạn và vô vạn, sự ly tán và tụ hợp một cách tinh tế.

Nhân sinh vô thường, ai cũng không thể biết trước được tiếp theo sẽ xảy ra sự tình gì, cũng không thể biết bạn bè thân hữu sẽ có còn được như cũ hay không. Xuân đi thu đến, trăng tròn rồi trăng khuyết, những điều tốt đẹp trong cuộc sống dường như luôn ngắn ngủi, cho nên tận hưởng chúng và quan tâm đến mọi người xung quanh chính là cách nắm bắt cuộc sống tốt nhất.
 
Top