Bàn luận biến pháp Thương Ưởng

Johnny Lê Nữu Vượng

Cái nồi có lắp
Belgium

Thương Ưởng (390 TCN – 338 TCN), là nhà chính trị gia nổi tiếng, tướng quốc nước Tần thời Chiến quốc. Với tư duy pháp trị triệt để, ông đã biến nước Tần từ một quốc gia lạc hậu, trở thành một cường quốc vượt xa các nước chư hầu. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, tư tưởng pháp trị của Thương Ưởng thể hiện rõ nét nhất trong hai lần biến pháp (thay đổi pháp luật) của nước Tần như sau:

Năm 356 TCN, Thương Ưởng sai chia dân thành từng nhóm, năm hộ, mười hộ. Phải kiểm soát nhau và bị ràng buộc vào nhau. Ra lệnh ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng; ai tố cáo kẻ gian thì cũng được thưởng ngang với người chém đầu quân địch; người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch.

Luật pháp Thương Ưởng nghiêm đến nỗi dân chúng không dám cho một người ngủ nhờ. "Ai chứa chấp người nếu không có giấy tờ sẽ bị chém"! Chính Thương Ưởng đã tự chém mình! Mới hay, người sống thiếu đức độ có khác nào đang chết dần trong cái bất đắc kỳ tử. Gia đình có hai người con trai trở lên mà không chia của ở riêng thì bắt đánh thuế gấp đôi. Ai có quân công thì cứ theo thứ bậc mà được thưởng, ai đánh nhau vì việc riêng thì đều bị hình phạt lớn hay nhỏ, tùy theo nặng hay nhẹ mà trị. Ai ra sức vào nghề nghiệp gốc, cày cấy, dệt vải, cung cấp nhiều lúa thì được tha khỏi sưu dịch; trái lại ai theo cái lợi trên ngọn (thương nhân) cùng những người lười mà nghèo thì đều bắt cùng với vợ con làm nô.

Người tôn thất mà không có quân công, thì không được ghi vào sổ sách họ nhà vua, không được định cấp bật tước trật cao thấp rõ ràng. Ghi tên các ruộng vườn, thần thiếp, áo quần theo số hiệu từng nhà. Ai có công thì hiển vinh, ai không có công thì tuy giàu có cũng không được tôn vinh.

Năm 350 TCN, Thương Ưởng ra lệnh cấm cha, con, anh em cùng ở chung một nhà (bỏ hẳn chế độ tam đại, tứ đại đồng đường); chia dân cư và hợp các làng, xóm nhỏ lại thành huyện, đặt chức quan lệnh và thừa. Được tất cả 31 huyện. Bỏ bờ ruộng và đường mạch ruộng. Nhờ đó mà tăng được đánh thuế. Thống nhất hộc, thùng, cân, thước, tấc trong cả nước.

Biến pháp được thi hành được 10 năm, dân chúng có người khen tốt, có người lại chê bai. Thương Ưởng nói:

- Đó đều là do bọn dân làm cho việc giáo hóa bị rối loạn.

Tất cả những người dân khen, chê hoặc bàn tán đến pháp luật đều bị Thương Ưởng đày ra biên giới. Vì vậy, không ai dám bàn luận về biến pháp của ông nữa.


img

Tư tưởng pháp trị của Tần Thủy Hoàng có ảnh hưởng từ biến pháp của Thương Ưởng (tranh minh họa)​

Nhờ có biến pháp của Thương Ưởng, nước Tần nhanh chóng trở nên cường thịnh. Thương Ưởng cũng là người định ra kinh đô Hàm Dương của nước Tần, đem quân thu phục được đất Tây Hà – một vị trí chiến lược của nước Ngụy, mở ra con đường thông thoáng cho nước Tần chinh phạt các nước chư hầu sau này.​

Thương Ưởng làm biến pháp ở Tần. Vì muốn luật pháp được tôn trọng nên ông dùng chính sách hà khắc khiến dân chúng oán vọng.

Khi Tần Hiếu Vương qua đời, Thái tử Tứ lên ngôi (Tần Huệ Vương) muốn trị tội Thương Ưởng (vì trước đây Ưởng làm tội thầy Thái tử) bèn cách chức Thương Ưởng. Ưởng ngang nhiên trở lại đất phong của mình với hàng ngựa xe có của cải, có tiền hô hậu ủng, có bá quan theo đưa, và tiếm dụng nghi trượng bậc vương hầu.

Huệ Vương nổi giận sai tướng đem ba ngàn quân đuổi theo để chém bỏ tại chỗ. Có người cho Thương Ưởng biết, Ưởng cả sợ, bèn cởi áo quan ra, mặc đồ lính trốn đến Hàm Quan. Bấy giờ trời tối, Ưởng vào nhà dân xin ngủ nhờ.
Chuyen qua bao kho tin cua Thuong Uong
Hình ảnh Thương Ưởng trong phim cổ trang Trung Quốc.
Chủ nhà hỏi:

- Ngươi có giấy tờ tùy thân điểm chỉ không?

- Dạ không!

Chủ nhà nói:

- Vậy thì ngươi hãy đi nơi khác. Phép của Thương quân không chấp chứa những người không có giấy tờ!

Thương Ưởng thở dài than:

- Cái tệ hại của nhà làm pháp luật đến thế nào?


Sau đó Thương Ưởng trốn sang Ngụy. Vua Ngụy rất ghét Ưởng vì trước đây gạt bắt công tử Ngang (vốn vừa là bạn vừa là ân nhân của Thương Ưởng), nên muốn bắt Ưởng. Ưởng chạy về Tần, bị bắt và hành hình.

Lời Bàn: Đây là chuyện thật trong lịch sử. Thương Ưởng là nhà chính trị đại tài, đã đưa nước Tần đến chỗ hùng cường, nhưng vì pháp luật quá khắc nghiệt, lại áp dụng chính sách ngu dân (dân chúng không được học, chỉ có con của quan lại và hoàng tộc được học), nên dân chúng ít được biết đạo lý.

Mỗi ngày Ưởng ra lệnh chém từ 600 đến 700 người phạm pháp. Máu pha đỏ dòng sông Vị, tất nhiên dân chúng phải oán hận.

Ông Ngô Nguyên Phi trong Khảo luận về thời đại Xuân Thu và Chiến Quốc có viết: "Ai coi việc nước là việc nhà, thì coi dân chúng là người nhà, luật pháp sẽ được tuân hành một cách tự nhiên như đã thấm nhuần, đôi khi có chút lệch lạc nhưng không khí vẫn vui tươi đầm ấm".


Thương Ưởng là công tử nước Vệ (Hoàng tộc) qua làm quan nước Tần, đã chắc gì yêu nước Tần? Ông chỉ yêu nghề, yêu chức vị và yêu cả gia tộc mình. Bằng chứng, ngàn xe của cải ở đâu mà có?

Vĩ Ngao (Lệnh doãn của Sở trước đây) cũng tương đương chức vụ với Thương Ưởng. Khi Vĩ Ngao qua đời, con Vĩ Ngao phải đốn củi! Thương Ưởng đã sống trên xương máu dân Tần. Có ai yêu nước mà không yêu dân? Khi bị cách chức rồi mà vẫn nghênh ngang.

Sử nói: "Ngũ Cổ Đại Phu (Bá Lý Hề phó Tể tướng) chết đi dân Tần ai cũng khóc. Trẻ em không buồn lên tiếng hát, trong xóm không còn nghe tiếng hò giã gạo! Thương Ưởng chết đi dân chúng ai ai cũng mừng, người ta ca hát nhảy múa đầy đường"!
 
Top