Hưng thịnh nhờ tích đức, thất bại vì thất đức

Từ xưa đến nay, dẫu sự kiện nào xảy ra trong xã hội, bao gồm cả chiến tranh, đều là một lần cơ hội để con người lý giải về đạo nghĩa. Kết cục của một cuộc chiến không chỉ thể hiện nơi thành bại, mà còn thể hiện ở vấn đề thu phục nhân tâm, “vi chính dĩ đức”. Vậy nên nếu không xuất phát từ nền tảng đạo đức và quy về đạo đức, thì chắc chắn chẳng thể thông thuận, chẳng thể thực sự giành được thắng lợi. Trong lịch sử có một vị Hoàng đế nổi tiếng có thể trở thành ví dụ cho câu “Hưng thịnh nhờ tích đức, thất bại vì thất đức”, đó là Tuyên Chiêu Đế Phù Kiên của Tiền Tần. Ông suýt chút nữa đã có thể thống nhất Trung Nguyên, nhưng cuối cùng bại vong trong trận chiến Phì Thủy nổi tiếng, khi quân Đông Tấn chưa đến 1 vạn binh sĩ đã đánh bại 10 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần.

Phù Kiên, tự Vĩnh Cố, là người dân tộc Đê, là vị vua thứ ba của nhà Tiền Tần thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều. “Tư trị thông giám” đánh giá Phù Kiên “rất hiếu thuận, từ nhỏ đã hiếu học và có chí lớn, bác học đa tài”. Phù Kiên tin tưởng vững chắc vào Phật giáo và đức của bậc quân vương theo Nho gia, trong thời gian trị vì của mình, ông đã thống nhất miền Bắc Trung Nguyên, khiến những người dân phải chịu đựng nỗi khổ chiến tranh nhiều năm được an cư lạc nghiệp trong khoảng hai mươi năm.

Tiền Tần
Tiền Tần là một trong Thập lục quốc. Vào cuối thời Tây Tấn, bộ tộc Đê ở Lược Dương đã phong cho quý tộc Phù Hồng làm thủ lĩnh của họ. Năm 350, Phù Hồng chiếm Quan Trung và tự xưng là Đại tướng quân, Đại Thiền Vu, Tam Tần Vương. Chẳng bao lâu sau, Phù Hồng bị đầu độc chết, con trai thứ ba là Phù Kiện lên thay.

Năm 351, Phù Kiện lập kinh đô ở Trường An, tự xưng là Đại Tần Đại Vương và Đại Thiền Vu. Năm 352, ông đổi danh xưng là Hoàng đế, kinh đô là Trường An, và đặt tên nước là Tần.

Phù Kiện mất năm 355, con trai ông là Phù Sinh kế vị. Sau khi Phù Sinh lên ngôi, ông ta bạo ngược vô đạo, thường xuyên giết chết những bề tôi can gián bằng những cách tàn nhẫn. Năm 357, Phù Kiên, con trai của Phù Hùng – em trai của Phù Kiện, đã chấp nhận lời khuyên của các quan đại thần là “theo gương vua Thang của nhà Thương và vua Vũ Vương của nhà Chu, thuận theo lòng dân, thảo phạt Hạ Kiệt Vương và Thương Trụ Vương”, đã nổi dậy lật đổ Phù Sinh.

Sau khi thành công, Phù Kiên muốn nhường ngôi cho anh trai là Phù Pháp, nhưng Phù Pháp cho rằng mình xuất thân thứ dân, không phù hợp. Phù Kiên sau khi được các quan đại thần thuyết phục đã lên ngôi. Bắt đầu từ năm 370, Tiền Tần đã tiêu diệt Tiền Yên, Tiền Lương và nước Đại, thống nhất phương Bắc.

Vỗ về bách tính
Lúc bấy giờ do chiến tranh, xã hội lâu ngày không có pháp trị, nhiều quan tham tham nhũng, lợi dụng quyền lực, sinh kế của người dân khốn cùng. Để khắc phục tình trạng hỗn loạn xã hội và vỗ về người dân, Phù Kiên một mặt đã yêu cầu 2 người là Kinh Triệu Doãn Vương Mãnh và Trung Thừa Đặng Khương điều tra và trừng phạt những quý tộc và phú hào, thậm chí ông còn trừng phạt một thành viên trong gia tộc của mình trước mặt tất cả các quan đại thần. Từ đó trở đi, các quý tộc hoàng thân và thế lực cường hào không dám làm điều ác nữa.

Mặt khác, Phù Kiên sai quan khâm sai đi tuần tra khắp bốn phương đất nước, giúp đỡ người góa bụa, cô đơn, côi cút và người già, trừng phạt những quan lại dùng hình phạt bất công, khen ngợi những người có đức hạnh tốt và căm ghét kẻ ác, người thúc đẩy việc trồng trọt, người có tài năng xuất chúng, người có lòng hiếu thảo và trung nghĩa. Phù Kiên còn thành lập Thính Tụng Quán, và xuống chiếu thông báo với mọi người dân rằng, nếu có oan sai, họ có thể đốt khói ở phía bắc kinh thành. Sau khi Phù Kiên trông thấy, ông sẽ đích thân đến Thính Tụng Quán để lắng nghe xử án, nhằm khuyến khích các quan chức tuân theo pháp luật, giảm thiểu việc xảy ra các vụ án oan.

Phù Kiên đã có thể đồng cảm nỗi đau khổ của người dân, và thúc đẩy nông nghiệp để nuôi dưỡng bách tính. Một năm nọ, có một đợt hạn hán nghiêm trọng, đời sống khó khăn, Phù Kiên đã làm gương bằng cách giảm bữa ăn, bãi bỏ ca hát, tặng hết vàng ngọc, gấm, đồ thêu cho tướng sĩ, đồng thời ra lệnh cho các phi tần hậu cung không được mặc tơ lụa đắt tiền, và độ dài của quần áo không được kéo lê trên mặt đất. Phù Kiên cũng tự mình làm ruộng, trong khi hoàng hậu nuôi tằm ở ngoại ô. Đồng thời, triều đình mở cửa núi rừng, hồ nước để chia sẻ tài nguyên với người dân, ngừng chiến tranh để bách tính được nghỉ dưỡng. Ông đã phát triển thủy lợi, dẫn nước tưới cho đất nông nghiệp, nhờ đó mùa thu năm sau bội thu, rất nhiều người dân được hưởng lợi.

Tiếp nhận lời can gián sửa chữa lỗi lầm
Phù Kiên còn có thể tiếp nhận lời can gián, tự kiểm điểm bản thân. “Tấn thư” có ghi lại, Phù Kiên từng đi săn ở dãy núi Tây Sơn ở Nghiệp Thành hơn mười ngày, vui thích không nghĩ tới quay về. Vương Lạc khuyên rằng: “Bệ hạ là cha mẹ của bách tính, là chỗ dựa của muôn dân. Nếu trong lúc đi săn xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn thì đất nước và Thái hậu sẽ ra sao?” Phù Kiên thừa nhận sai lầm của mình, từ đó không đi săn bắn nữa.

Ngoài ra, sau khi nhà Tiền Tần thống nhất phương Bắc, ngân khố quốc gia đầy ắp, Phù Kiên bất tri bất giác sống một cuộc sống xa hoa, cung điện, xe ngựa và đồ dùng của ông đều được trang trí bằng những báu vật quý hiếm. Thượng thư lang Bùi Nguyên Lược nói với Phù Kiên rằng: “Các triều đại Nghiêu, Thuấn và Chu đều tôn sùng tiết kiệm, thế nên ba triều đại đã được hưởng hòa bình và ổn định lâu dài. Thần hy vọng bệ hạ có thể coi thường vàng ngọc và từ bỏ báu vật, như thế mới có thể khiến dân chúng thuần hậu và không xa hoa.” Phù Kiên đã loại bỏ những thứ xa hoa, và Bùi Nguyên Lược còn được thăng chức vì việc này.

Sau khi thực hiện các chính sách nhân đức, người dân Tiền Tần được an cư lạc nghiệp, đạo đức được đề cao, ngoài đường không nhặt đồ rơi, bách tính dùng ca dao truyền nhau hát rằng: “Trên đường phố lớn Trường An, hai bên trồng đầy cây dương và cây hòe, có xe ngựa quý tộc đi lại phía dưới, có kẻ sĩ hiền minh ở trên xe vào triều đình. Rất nhiều người trí thức trác việt tụ tập về đây để giáo hóa bách tính lê dân”.

Dùng đức hòa hợp các dân tộc
Phù Kiên cũng là một trong những người tiên phong hòa hợp các dân tộc trong lịch sử. Vào thời điểm đó, các dân tộc đang báo thù tàn sát lẫn nhau, Phù Kiên đã cố gắng hết sức dùng đức quan tâm đến các vùng xa xôi, để thúc đẩy sự hội nhập của các dân tộc. Khi đáp lại lời đề nghị của Phù Dung rằng nên loại bỏ gia tộc Mộ Dung Vĩ, hậu duệ của nước Tiền Yên, Phù Kiên nói:

“Việc tu dưỡng đạo đức của khanh vẫn còn chưa đủ, nên phán đoán thị phi không sáng suốt.

Kinh Thi nói: ‘Đức hạnh nhẹ như lông chim, nhưng ít ai nhấc nổi được’.

Khi đã ở địa vị cao thì phải cẩn thận không bị lật đổ. Ngày nay, chính sự quốc gia và bách tính đã yên định, nhưng vẫn cần phải nỗ lực. Người dân cần an dưỡng, các dân tộc cần hòa thuận, thì mới có thể hòa hợp tất cả các dân tộc thành một đại gia đình. Thuận theo Thiên Đạo thì sẽ thuận lợi, tu dưỡng đức hạnh thì có thể tiêu trừ được tai họa. Nếu chúng ta có thể tìm ra lỗi lầm từ chính mình, thì còn sợ gì họa hoạn bên ngoài?”

Một năm nọ, Phù Kiên ra lệnh cho Lã Quang tiến hành một cuộc viễn chinh, xuất phát từ Trường An, khi tiễn Lã Quan đến cung Kiến Chương, ông nói với Lã Quang rằng: “Tây Nhung không phải là một đất nước có lễ nghĩa. Cách thu phục họ là hàng phục và xá tội cho họ, để thể hiện sự uy nghiêm và nhân từ của Trung Quốc. Cần dùng Vương pháp đễ dẫn dắt họ, nhất định không được dùng hết sức mạnh vũ lực, không được tàn hại cướp đoạt”. Năm đó, người Di ở tây nam Ích Châu, và các nước chư hầu ở Hải Nam đều chủ động sai sứ thần đến triều cống.

Ngoài ra, khi Phù Kiên chinh phục nước Đại của dân tộc Tiên Ti, con trai của Vua nước Đại Thác Bạt Thác Nhất Kiền là Dực Khuê đã trói cha mình và xin đầu hàng, sau đó Phù Kiên không hề làm hại gì đến gia tộc Thác Bạt. Ông cho rằng hành vi của Dực Khuê là bất hiếu nên đày anh ta đến đất Thục. Ông cho rằng Thác Nhất Kiền không biết lễ nghi và nhân nghĩa, nên đã yêu cầu ông ta học lễ nghi ở Thái học.

Một lần khác, Tả Hiền Vương Vệ Thần của Hung Nô cử sứ giả đến Phù Kiên quy hàng, yêu cầu được sống trong nội địa, Phù Kiên đã đồng ý. Nhưng sau đó, Vân Trung Hộ Quân là Giả Ung phái kỵ binh đến tấn công và cướp bóc họ. Phù Kiên tức giận nói: “Ta đang muốn thi hành chính sách Ngụy Hàng hòa Nhung, không thể vì lợi nhỏ mà quên đại tín. Oán hận không kể lớn, sự tình không kể nhỏ, việc huy động quân đội và dân chúng không phải là phúc lành cho đất nước. Tất cả tài sản cướp được phải được trả lại.” Thế là Giả Ung đã bị cách chức quan, và được phép làm Hộ Quân với tư cách là một thường dân. Ông cũng cử sứ giả đi tìm kiếm hòa bình với người Hung Nô, để chứng tỏ sự tín nghĩa của triều đình. Sau đó, Vệ Thần dẫn bộ tộc của mình đến Trung Nguyên sinh sống và tiếp tục triều cống.

Thất bại ở Phì Thủy
Sau khi Phù Kiên thống nhất phương Bắc, ông luôn mong muốn thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên, vào thời Đông Tấn lúc bấy giờ, triều Đông Tấn có những nhân tài như Hoàn Xung, Tạ An, quân vương cùng các quan lại hòa thuận, dân chúng không chống đối nhà Tấn, nên không có chính danh xuất quân chinh phạt.

Vương Mãnh, thừa tướng tài năng người Hán mà Phù Kiên tin tưởng nhất, trước khi qua đời đã nói với Phù Kiên rằng: “Mặc dù triều đại Đông Tấn được thành lập ở vùng Ngô Việt xa xôi, nhưng nó đã kế thừa tính chính thống. Điều đất nước cần nhất bây giờ là gần gũi với những người nhân đức, và thân thiện với các nước láng giềng. Sau khi thần chết, thần hy vọng bệ hạ sẽ không có mưu đồ với nhà Đông Tấn.”

Phù Dung, người em tài năng nhất của Phù Kiên, cũng cho rằng đất nước đã trải qua nhiều trận chiến, quân tướng mệt mỏi, nên việc dẫn quân chính phạt là không thích hợp.

Tuy nhiên, vào năm 383, Phù Kiên đã để cho tham vọng làm mờ lý trí, quay lưng lại với chính sách nhân nghĩa của mình, đích thân dẫn 10 vạn binh sĩ tiến về phía nam, mở cuộc tổng tấn công vào nhà Đông Tấn. Quân Đông Tấn và quân Tiền Tần đối đầu nhau tại Phì Thủy. Trận chiến này kết thúc với sự sụp đổ của quân Tần, trong khi quân Đông Tấn chưa tới 1 vạn.

Sau trận Phì Thủy, các dân tộc khác vốn quy phục nhà Tiền Tần, đã quay lưng. Phù Kiên nhanh chóng bại vong, đất nước Tiền Tần cũng chia năm xẻ bảy, lúc đó ông mới nhận ra sai lầm của bản thân. Năm 385, Phù Kiên bị một tướng phản loạn bắt giữ. Trước khi bị treo cổ, ông đã chỉnh sửa trang phục và lễ Phật trong ngôi chùa Phật giáo nơi ông bị giam giữ, rồi yên lành đón nhận cái chết.

Lời kết
Phù Kiên nổi lên nhờ thuận Thiên tích đức, lật đổ Phù Sinh bạo ngược vô đạo, đồng thời nỗ lực thực hành đạo đức nhân nghĩa. Tuy nhiên, ông làm việc tốt không kiên trì đến cuối cùng, vì tham vọng mà nhất quyết dốc toàn bộ sức lực của đất nước để chinh phục Đông Tấn. Cuối cùng, ông thất bại và chết vì chỉ một sai lầm này.
 
Top