Đạo lý Kinh Nghiệm Học Phật - Vấn đáp Phật Pháp

PHẬT PHÁP CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI BIẾT CHÁN SỢ SINH TỬ.


Chỉ vậy thôi,

Không có biết chán sợ sanh tử thì Phật Pháp nầy tôi năn nỉ đừng có rớ tới là vì ba lý do :


1️⃣

Không có chán sợ sanh tử thì mình không có chấp nhận nỗi lời Phật bởi vì Phật xúi mình đi ra mà.
Mình chấp nhận không có nỗi.

2️⃣

Không chán sợ sanh tử thì có nghĩa là mình đang Mê.
Nếu mình còn Mê thì tại sao mình lại đúc cái đầu vô cái con đường lìa bỏ làm chi.

3️⃣

Cái lý tưởng Phật Pháp đi ngược lại cái đời sống của mình thì tại sao mình ngu dại gì mình đúc cái đầu vô trong đó.

Vì thế, Phật Pháp chỉ dành cho một hạng người duy nhất là biết CHÁN SỢ SANH TỬ.
Kẻ nào còn cầu mong hưởng phúc Nhân Thiên, còn mong được hưởng cái trăng thanh gió mát là kẻ đó chưa có phải là cầu đạo Giải Thoát.
Phải thấy một phút hít thở của La Hán cũng là Khổ thì mới thật sự chán sợ sanh tử ...!!!


Gớm như vậy đó,
Phải đến mức như vậy.
Cái một phút hít thở của La Hán chứ không phải của mình nha, một phút thôi cũng là Khổ thì mới thật sự là chán sợ sinh tử. Còn thấy mình còn muốn được cái nầy, cái kia là Chết.

Và tôi đã nói cái cuối cùng, mình thấy một phút mà hít thở của vị La Hán có gì đâu.
Hít với thở thôi đâu có gì mà thơm ngon, béo ngọt, bùi giòn gì đâu ...
Nhưng mà hễ còn có mặt là còn Khổ nha.

Đức Phật dùng hình ảnh nầy nè :

● Ngài nói giống như phân người dầu cho nó là một đống lớn hay nó chỉ dính một miếng nhỏ xíu trên đầu cây que thì lúc nào nó cũng là phân, lúc nào cũng đáng gớm.

● Dầu nó là một đống lớn hay chỉ là một miếng ở đầu que gỗ thì phân ở đâu cũng là phân.

● Ngài nói bất cứ hình thức hiện hữu nào, dầu thô hay là tế đến mấy thì cũng đều là đáng chán, đáng sợ hết.


Cái người không hiểu Đạo, không học Giáo Lý, không hành Tứ Niệm Xứ thì không có tin được cái chỗ nầy.

Các vị rất là ngạc nhiên là tại sao Đức Phật Ngài nói về cái chuyện sanh tử, cái chuyện có mặt ở đời này bằng cách nói rất là khắc khe, nghiêm túc như vậy.

Các vị phải thấy biết như vậy thì các vị mới thấy Ngài nói đúng.

Các vị thử tưởng tượng đi, cái này tôi đang nói kiểu thường thức dành cho người dốt đặc không có biết gì hết nè.
Trong một ngày, cái Tâm ác và Tâm thiện của quý vị cái nào nhiều hơn ...?!

Chắc chắn là Tâm ác nhiều hơn Tâm thiện rồi từ đó suy ra bước ra ngoài đời nhắm mắt quơ tay toàn là người xấu nhiều hơn người thiện không à.
Tại vì bản thân đã là xấu.

Các vị tưởng tượng đi, mình xấu mà chung quanh mình toàn là người xấu thì hỏi quý vị vậy có cơ hội nào để mà mình làm thiện không.
Rất hiếm.
Toàn là chuyện tầm bậy không.

● Bây giờ, các vị có nhan sắc một chút, có tiền một chút, có sức khỏe một chút, có tuổi trẻ một chút thì thử hỏi các vị cái tâm tình nào mà các vị tìm đến với Phật Pháp ...?!

Làm ơn trung thực, làm ơn chân thành với lòng mình một chút đi.
Bây giờ các vị có tiền, có sức khỏe, có nhan sắc, có tuổi trẻ, có uy tín quyền lực, có chức vụ, đặc biệt là có tình cảm nam nữ đang mùa yêu thì hỏi có bao nhiêu kẻ chịu đến để mà nghe đạo ...?


Nhưng mà các vị chán đời, sợ khổ nên trong cái room nào giảng cũng nhào vô nghe không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, nghe được cái gì bỏ túi bao nhiêu hay bấy nhiêu.

● Cho nên cái đạo này, là dành cho cái người Ly Tham, dành cho những người muốn Tịch Diệt, dành cho những người chán sợ Sanh Tử.

Ác nhiều bao nhiêu thì khổ nhiều bấy nhiêu.

Khi nào, cơ hội làm ác nó nhiều hơn cơ hội làm thiện thì cái cơ hội Đọa lớn hơn cái cơ hội sanh về Nhân Thiên.
Cái cơ hội làm giun, làm trùn, làm dòi, làm bọ nó lớn lắm.

Còn cái chuyện mình quay trở lại mình làm nam thanh nữ tú, tài tử giai nhân, đủ ăn đủ mặt, có học, có tiền, có nhan sắc, có sức khỏe, rồi có tình yêu, có quyền lực, có chức vụ ....


Tôi xin hứa với các vị cái chuyện đó nó hiếm dữ lắm.
Hiếm lắm ...
 
Sửa lần cuối:
NẾU CHỈ CÓ CHÁNH NIỆM VÀ TRÍ TUỆ
THÌ KHAM NHẪN , TỪ BI, THIỀN ĐỊNH BỎ Ở ĐÂU ?

Có 5 hạng người trong giáo pháp của Đức Phật :


1- Tinh thông kinh điển nhưng không hành trì, chỉ là pariyattibahulo , là chuyên gia giáo lý.

2- Giỏi thuyết giảng nhưng không hành trì, gọi là pannattibahulo, là chuyên gia thuyết giảng. Nói rất hay, rất cuốn hút, rất hấp dẫn, rất thuyết phục nhưng không hành trì. Tức là không có niệm và tuệ, thì không phải là hành giả tứ niệm xứ.

3- Thường xuyên tụng niệm là sajjhayabahulo. Ăn rồi chỉ lo tụng kinh , thì không có niệm và tuệ, không phải hành giả tứ niệm xứ.

4- Thường suy nghiệm, nghiền ngẫm trên lý thuyết mà thiếu hành trì cụ thể, thì chỉ gọi là vitakkabahulo, là chuyên gia nghiên cứu, không phải hành giả Tứ Niệm Xứ.

5- Chỉ có ai hành trì rốt ráo điều mình hiểu, dù chỉ trên bài kệ 4 câu thì mới được gọi là người hành đạo Dhammavihari.
Dhammavihari nên dịch là người sống đạo. Hạng thứ năm này gọi là hành giả sống đúng với tinh thần tứ niệm xứ, đúng tinh thần "tam học", đúng tinh thần của "đạo đế", đúng tinh thần của "37 phẩm bồ đề". Sống chánh niệm và Trí tuệ trong từng phút, từng giờ thì mới được gọi là người sống trong đạo.


Có rất nhiều người hiểu lầm, họ nói rằng tụng đọc cũng là kiểu tu. Xin cẩn thận! - Ghi chép và ghi nhớ chưa đủ để gọi là sống trong đạo hay hành đạo, tụng niệm khản cổ chưa phải là hành đạo, trở thành học giả tinh thâm kinh điển chưa phải là sống đạo. Trong kinh nói chỉ có hành giả tứ niệm xứ mới là người sống đạo, chỉ sống "chánh niệm và trí tuệ" ta mới dễ dàng phát triển tất cả hạnh lành như từ bi , kham nhẫn, phục vụ, cung kính, nghe pháp, thuyết pháp.

Nếu tôi không nói thì nhiều người họ nghe khó chịu lắm, nhiều người họ như baby nghe đâu biết đó, họ nói : “nếu chỉ có chánh niệm và trí tuệ thì kham nhẫn, từ bi, thiền định bỏ ở đâu”. Dạ xin thưa cứ yên tâm, chuyện đầu tiên là anh phải dọn đất, khi anh dọn đất thì anh mới trồng mọi thứ. Anh muốn cất nhà thì anh phải có cái nền trước, có cái nền rồi anh mới dựng nhà được. Không có chánh niệm và trí tuệ thì anh đừng nói với tôi anh tu tập từ bi, kham nhẫn, hành xả, còn chuyện anh dẫn chứng cho tôi,… nghe có ông A bà B đâu có chánh niệm gì mà thấy họ cũng làm phước, thì tôi xin thưa kiểu làm công đức của người không có chánh niệm, nó giống như cách mà trồng cây ngẫu nhiên của người không muốn làm vườn, có nghĩa là nay tiện tay quăng cái hột, mai mốt quăng cái hột nữa. Như tôi có biết một vài người quen, họ mát tay lắm, củ khoai mỡ, trên cái cuống có cái mầm, họ liệng ra đống rác mà nó cũng lên cái gốc của củ khoai to đùng.

Rồi có người bên Florida chỗ tôi ở, hạt dưa hấu họ liệng ra bên thềm nhà mà nó cũng ra một dây dưa và ra đầy trái. Thì đó là do ngẫu nhiên đủ duyên đủ điều kiện thì nó ra trái, ra củ, đó là kiểu trồng cây của kẻ không muốn làm vườn, mà kiểu trồng cây này không thể đưa vào sự nghiệp của mình được. Mình thấy có người lăng xăng không tu tập tứ niệm xứ, họ đi chùa cũng làm phước, làm thí chủ, in kinh đúc chuông tạc tượng ..v..v, Nhưng đó là kiểu ăn hột dưa ném bừa bãi.

Chỉ có nếp sống chánh niệm mới đúng là cách làm vườn chuyên nghiệp để gầy dựng sự nghiệp.
 
Tác giả là ai vậy cư sĩ?
Sư Giác Nguyên nhé. Bạn có thể xem qua youtube các bài giảng hoặc đọc qua viettheravada.
Đây là bảng chép lại trong các buổi giảng, pháp thoại online hoặc offline.

Mình lựa những nội dung cơ bản nhất, dễ hiểu nhất cho người ngoại đạo hoặc sơ cơ tìm hiểu Phật Pháp cho đỡ rối.
 
VẤN ĐÁP.

*** HỎI

Kính thưa Sư

Con là độc giả thường xuyên của trang Simsapa. Con rất biết ơn những bài pháp của sư, nhờ những bài pháp của sư con đã được học và hiểu thêm rất nhiều về đạo Phật nguyên thủy .Có một chuyện con kính xin sư từ bi chỉ dạy.

Trong bài con rùa mù Sư giảng “Đức Phật Ngài dạy rằng:

Con rùa dưới biển một trăm năm nó mới trồi lên một lần, nó đã mù mà một trăm năm mới trồi lên, mà trên biển có một tấm ván có cái lỗ vừa khít cái đầu con rùa. Bằng một cơ hội hãn hữu nào đó, vào một dịp nào đó khó ngờ nhất con rùa tình cờ nó chun cái đầu vào trong cái lỗ ván đó, Ngài nói rằng đây là một sự ngẫu nhiên mà vô cùng hiếm hoi , cơ hội làm người nó còn hiếm hoi hơn là sự tình cờ ấy nữa “

Con có đứa con gái, con đã nói cháu nghe "cơ hội làm người khó như thế" ; nhưng cháu nói: "mẹ nói thế con người trên trái đất này càng ngày càng sanh nhiều, dân số càng ngày càng đông, sao lại có chuyện cơ hội làm người khó?" Con cũng không biết nói sao để giải thích cho cháu hiểu. Vậy con kính mong sư từ bi chỉ dạy ạ. Cầu xin hồng tam bảo và chư thiên gia hộ cho sư được nhiều sức khỏe để giảng pháp cho vô lượng chúng sanh được lợi lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính Sư

*** ĐÁP
Cần lưu ý vài điểm sau đây :

- Số lượng nhân loại trên trái đất dù có tăng lên trăm tỉ cũng không là gì so với các chủng loại chúng sinh sa đọa, như các loại vi sinh mà mắt thường không nhìn thấy. Chưa kể là có vô số cảnh giới sa đọa nằm ngoài nhân gian. Dân số thế giới hôm nay còn phải tính trên Km2, nhưng đối với nhiều loại sinh vật khác thì phải tính trên Cm2 !

- Phần lớn nhân loại tuy mang thân người nhưng sinh ra chỉ để chịu khổ hơn là hạnh phúc. Họ sinh ra để sống bất thiện và chịu đựng đọa đày, như không có đủ các điều kiện ăn học, y tế, đi lại, truyền thông, giải trí...

Trong kinh nói : có kẻ mang thân người nhưng lại sống như ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục,... Nghĩa là phần lớn nhân loại hiện nay chỉ có được "thân người về hình thức" nhưng về nội dung và chất lượng cuộc sống thì chưa đủ chuẩn!

- Dân số nhân loại hiện nay thấy là đông đúc nhưng đó chỉ là tạm thời trong một thời gian ngắn, theo một chu kỳ nào đó, rồi sẽ có lúc dân số thế giới do những tác động chủ quan , khách quan mà sụt giảm thê thảm. Có lúc cả hành tinh chỉ có vài triệu người. Tìm trên internet hay đọc sách báo sẽ thấy điều này. Trong khi đó, số lượng các loại sinh vật lớn bé (ngoài con người) thì luôn vô số, giảm ở đây thì tăng ở kia, loài nầy ít thì loài khác nhiều...Đại khái là vậy.
 
NGUYỆN – NGUYỆN RIẾT SẼ CÓ NGUYỆN LỰC

Trong bộ A-tỳ-đàm số 4 của 7 bộ A-tỳ-đàm có tên là Puggalapannatti,
Phật dạy có bốn thứ xoài chín: ngoài sống trong chín, ngoài chín trong sống, trong ngoài đều sống, trong ngoài đều chín.


Cũng vậy, có bốn hạng người tương tự:


- Đạo phong cốt cách trang nghiêm mà mù tịt về 4 Đế.
- Vẻ ngoài không có gì xuất sắc nhưng lại am tường 4 Đế.
- Vẻ ngoài tầm thường mà nội hàm cũng không ra gì.
- Đạo phong ngon lành, trí tuệ về 4 Đế xuất sắc
.

Chúng ta phải nguyện, nguyện đời đời xin được gặp minh sư thiện hữu, đừng bị dối lừa bởi vẻ ngoài ngon lành hấp dẫn mà bên trong chua loét.

Nếu có người hỏi tôi thời này là thời mạt pháp mình nên tu pháp môn gì, người thì kêu tu pháp môn niệm Phật, người thì kêu tu rải tâm từ, tâm bi, tu niệm hơi thở, nhưng riêng tôi - người đang hầu chuyện cùng quý vị - nếu tôi thấy các vị không có thời giờ nhiều và cái đầu nhớ dở hiểu chậm tôi sẽ đề nghị pháp môn: “tu nguyện.

Quí vị có thể nghi ngờ sao chưa từng nghe pháp môn này, nhưng nếu có một chút tin tôi thì nhớ rằng không phải tôi chế ra mà là sau bao nhiêu năm làm thầy chùa và đọc kinh điển tôi đã đúc kết.

Thay vì nguyện Tam bảo, chư thiên, long thần hộ pháp, thiên long bát bộ…, thay vì đọc 500 hồng danh, quí vị viết ra và đọc chừng 50 câu nguyện.

Thí dụ:


- Đời đời kiếp kiếp hễ có hiền thánh thì con xin được gặp.
- Đời đời kiếp kiếp khi con muốn làm thiện, thì nghèo cách mấy, dốt cách mấy, cũng có điều kiện.
- Đời đời kiếp kiếp khi con có lòng làm ác, thì đừng cho có điều kiện.
- Đời đời kiếp kiếp mong cho con được gặp minh sư thiện hữu.
- Đời đời kiếp kiếp xin cho con đừng bị dối lừa bởi cái vẻ bề ngoài ngon lành hấp dẫn dầu về tình cảm hay là về đạo học.
- Đời đời kiếp kiếp con xin được sớm nhận ra cái gì là cốt lõi, cái gì là cành lá


Phải là đọc tới đâu hiểu tới đó. Ngày ngày trước khi đi làm tắm rửa sạch sẽ, chải tóc gội đầu, đánh phấn thoa son xong quỳ trước bàn Phật, đọc suốt hai ba chục câu như vậy và lúc nào cũng phải có câu này:

“Con sống bao lâu không quan trọng chỉ xin được chết sạch, chết yên và chết tỉnh.”
*Chết sạch là đừng hôi hám, tanh tưởi, khổ mình phiền người.
*Chết yên là đừng giãy giụa đau đớn vì nhức mỏi.
*Chết tỉnh là đừng hôn mê sờ soạng, mê sảng nói bậy nói bạ. Viết xuống đàng hoàng những câu nguyện đó.


Theo A-Tỳ-Đàm, mỗi một câu nguyện như vậy là một lần tác ý (cetana), quan trọng lắm. Cetana này được lặp đi lặp lại nhiều lần với lòng thiết tha, da diết lâu ngày thì từ chỗ cố ý sẽ trở thành tâm nguyện (adhitthana – nguyện lực).

Sau vài tháng vài năm sẽ có sức mạnh kinh khủng.

Các vị phải tin chuyện đó. Tôi xin chịu trách nhiệm về pháp môn ‘tu nguyện’ này.

Quý vị có thời giờ tu Tứ Niệm Xứ (thân, thọ, tâm, pháp) thì tôi không bàn tới, đó là bắt buộc rồi, nhưng ngoài Tứ Niệm Xứ mà quí vị còn muốn hành trì thứ gì khác nữa thì mỗi ngày cứ làm một bài nguyện như vậy sáng trưa chiều tối.

Tôi bảo đảm với quí vị - không phải bảo đảm theo kiểu Sơn đông mãi võ bán thuốc dỏm rồi bảo đảm mà quí vị hãy tự hỏi lòng mình có đúng vậy không - cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần thì tự nhiên sẽ có một sức mạnh rất lớn.
 
HỎI

Kính bạch Sư
🙏


Dưới đây một vị thầy định nghĩa về ba la mật: “Nếu như thả con tép.muốn được con tôm. thì chưa phải là tâm ba la mật.làm tất cả việc thiện vì lòng từ bi không mong cầu.mới là ba la mật.”

Xin sư từ bi cho hàng Phật tử chúng con rõ nghĩa hơn về chữ “Ba-la-mật” ạ


ĐÁP

Trong chuyện thế gian như cầu danh trục lợi mới có chỗ cho khái niệm "thả tép bắt tôm ". Riêng trong chuyện tu hành thì không thể nói cái gì là tôm hay tép.

Trước hết, không thể đánh đồng tâm nguyện lớn trong chuyện tu hành với lòng tham lớn trong danh lợi tình cảm.

Thứ hai, không có công đức nào là nhỏ khi ta luôn nghĩ đến nguyện lớn. Và dầu giả định là có thì đem công đức nhỏ để cầu quả báo lớn như Phật đạo hay thánh trí giải thoát nói chung đều rất đáng tán thán, không thể xem giống như lòng tham trong chuyện thế gian "bỏ ra ít mà muốn được nhiều".


Vì xét trên bản chất, hai nguyện ước này hoàn toàn khác nhau.

Trong kinh Pháp Cú đức Phật dùng hình ảnh một người gom từng đóa hoa kết tràng hoa để so sánh với việc tích lũy các công đức để cầu quả lớn trong giải thoát.
 
CÁI KHÓ NGƯỜI TU PHẬT

📗
(1) Không thấy mọi hiện hữu là khổ. Đây là một nhận thức rất quan trọng của Đạo Phật. Khi không thấy được nhận thức này, toàn bộ đạo nghiệp của mình là số 0 dầu là đam mê trong thần thông, thiền định, trong một công hạnh nào, thích bố thí, niệm phật, phục vụ, kiến tạo, hoằng pháp,.. thích gì thì thích mà thiếu nhận thức MỌI THỨ LÀ KHỔ thì chúng ta tiếp tục quay lại lối mòn.

Người như vậy thì không phải sống trong phép lạ của chư Phật. Vì phép lạ của chư Phật là sự buông bỏ. Nếu tiếp tục nhân danh cái gì đó để nắm níu cái gì đó thì không phải sống trong phép lạ. Vì phép lạ đầu tiên của chư Phật là Buông bỏ = buông bỏ những thứ thiên hạ yêu mê, chấp giữ, trân quý cái thiên hạ chán sợ.

📗
(2)Nhiều người tưởng tu phải cực vì cực mới là tu, tu phải nhẫn, vì nhẫn mới là tu, tu phải từ bi vì từ bi mới là tu. Hiểu vậy tiểu học quá.

Mà cái quan trọng là : TẠI SAO ANH BUÔNG ? Đâu phải anh buông để cầu công đức, mà anh buông vì anh không tìm thấy giá trị để nắm.

🌱
Giới luật thanh tịnh để cầu công đức, giới luật thanh tịnh vì sợ tội lỗi chưa đủ, mà vì anh không thể sống buông thả, thì cái đó mới là giới.
🌱
Anh không thể sống buông thả, không tìm ra lý do để anh buông thả nên anh có giới, thì cái đó tốt hơn.
🌱
Anh không tìm ra lý do để anh bủn xỉn thì bố thí mới có ý nghĩa.
🌱
Anh không tìm ra lý do để thù ghét, bất mãn ai đo thì tâm từ anh mới thật sự.
🌱
Anh không có lý do để căm ghét, căm hờn, bất mãn người khác thì lúc bấy giờ tâm từ, cái nhẫn mới có ý nghĩa.

Còn nếu không tìm ra được lý do tại sao mình phải bố thí, từ tâm, kham nhẫn, phải thiền định, sống đơn giản thì chưa, chỉ mới ở mức tu cầu phước thôi.
Chưa đến mức tu Tuệ.

Tu tuệ = anh hiểu tại sao, lý do nào mình như vậy. Đây chính là phép lạ của Đạo Phật.
Buông cái người ta nắm, trân quý cái người ta chán sợ là chỗ đó.
 
Người ta làm được, có được những thứ lớn lao là vì:

1/ Phước người ta đủ
2/ Nguyện lực của người ta đủ để giúp điêù đó thành tựu
3/ Nỗ lực của người ta đủ
4/ Quả thiện người ta đủ cơ hội trổ
5/ Quả bất thiện chưa có cơ hội trổ
6/ Người ta có đủ điều kiện (Đủ duyên) để làm điều đó.

....
Còn mình thua người ra đủ thứ là vì mình k có đủ mấy cái đó, hoặc thứ mình có nó là "thứ dữ"= bất thiện, nên không thể được như người ta, dù có cố gắng.

Sơ sơ mấy thứ đó là thấy mình không dại gì mà ganh tỵ, đua đòi, ý kiến ý cò gì với người ta khi mình chưa được một khoanh của họ. Chưa nói chuyện cái lớn lao đó nó là nhà, xe, cty, công trình hay là cái gì.

Hãy lo phần mình thật tốt. Nhìn lại mình để đổi cách tư duy cho thành tựu được những ý nguyện nhỏ, tới lớn dần tương ứng, thay vì phí thời gian ganh tỵ, bực bội,khó chịu, sợ hãi,... thì dành thời gian bổ sung kiến thức, kỹ năng, thay đổi nếp sinh hoạt, thói quen, tập thể dục thể thao tăng cường sức khoẻ thể chất, thay đổi góc nhìn, làm điều tốt đẹp, lợi ích, cho mình, cho người từng chút một,...

Còn khi Quả bất thiện người ta mà trổ thì không tới lượt mình đâu quý vị.

Kinh Pháp cú 104-105, đức Phật có dạy

"Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự.”

Dầu Thiên thần, Thát Bà
Dầu Ma vương, Phạm Thiên
Không ai chiến thắng được
Người tự thắng như vậy
 
VÌ SAO HẦU HẾT PHỤ NỮ KHÓ LÒNG GÁNH VÁC TRỌNG NHIỆM VÀ ĐẠI SỰ ?

Có một buổi chiều đó Ngài A Nan vào hầu Phật, Ngài bạch hỏi Thế Tôn :
-Bạch Thế Tôn vì sao mà hầu hết phụ nữ khó lòng gánh vác trọng nhiệm và đại sự ?

Thế Tôn Ngài giảng :

-Đa phần phụ nữ (1)ganh tỵ cực nặng, (2)bủn xỉn (3)thiếu trí tuệ.

Phụ nữ không phải là họ vô minh, nhưng vì cái quan tâm vặt vãnh của họ nhiều quá, khi họ quan tâm vặt vãnh nhiều quá thì năng lượng trí tuệ nó bị tiêu pha hoang phí đáng kể, nói theo kiểu VN là không hề nhỏ. Không ai dám nói người nữ không có trí, họ rất thông minh nhưng họ đã tiêu tốn nhiều cho chuyện tào lao. Họ làm chuyện thì được, nhưng cứ đang ngồi hội họp rồi lén lén lấy cây son hộp phấn ra chấm chấm bặm môi, lườm liếc thì hội họp cái gì. Sắp đi ra chợ thì phải sửa soạn bao lâu thời gian, còn người nam dầu họ có bê bối nhưng việc lớn vẫn là việc lớn.

Đàn bà khi họ đã có ghét, yêu rồi thì cái ghét yêu đó nó can thiệp trực tiếp vào công ăn việc làm thường nhật của họ, còn người đàn bà nào mà không để cho tình cảm thương ghét nó chen vào sự nghiệp thì đàn bà đó là máu lạnh lại càng đáng sợ.mKhông giống như đàn ông nếu là bất lực tài hèn trí mọn thì thôi không nói tới, mà nếu người đàn ông có năng lực thật sự, họ thắng được kiểm soát, cảm xúc là một chuyện riêng, nhưng họ vẫn có thể là một người chồng người cha rất là dễ thương, một người bạn rất là ok.

Nhưng người đàn bà thì không,

(1)họ hành xử theo tình cảm theo cảm xúc ghét thương
(2)hoặc họ là người có máu lạnh hầu như họ không có kẻ giữa.


Đàn bà đôn hậu, lanh trí có chiều sâu không bị tình cảm chi phối, nhưng sống trọn tình trọn nghĩa thì nghe đâu đã chết từ lâu, người ta mới khai quật vài mẫu hoá thạch, nhưng chỉ là nghi ngờ thôi chứ cũng chưa chắc là có. Vài tỉmnăm về trước trên miền lạnh, lúc đó trên Nam cực nó còn là vùng nhiệt đới, lúc đó ma Mút nó nhiều như gà bây giờ thì còn sót vài mẫu chứ còn chết sạch rồi.

Trong kinh Đức Phật có dạy này các Tỳ Kheo có nhiều trường hợp khó kham nhẫn :
(1) Là ông vua bị đe dọa ngai vàng đe dọa lãnh thổ
(2) Con voi trong mùa động đực đi kiếm bạn tình
(3) Con rắn bị đạp đuôi
(4) Phụ nữ khi bị chia sẻ tình cảm.

Phụ nữ thì có hiền bằng trời mà khi biết bạn trai hay chồng của mình có phòng nhì rồi thì họ điên lên giết cả họ luôn, cho nên đừng bao giờ dại dột làm cho họ ghen. Phụ nữ thấy nàng rộng như vậy nhưng nàng đã cân đong đo đếm rồi, nàng chỉ chi ra tính theo phần trăm thôi.


Có ông đó ngủ với bà vợ, nửa đêm nghe rục rịch, bà vợ mới hỏi chồng “anh có nghe gì không”, ông chồng nói “đâu có nghe gì đâu, ngủ đi” bà nói “hình như trộm “, ông chồng nói “em đừng có sợ, trộm vô nhà nó đâu có biết lấy cái gì, tiền em anh ở mấy chục năm còn không biết em giấu ở đâu, ăn trộm nó mới mò vô đêm nay làm sao nó biết chỗ nào giấu mà nó đi lấy .”

Chúng ta phải nhìn nhận có chuyện này : Tôi phải cúi đầu trước tấm lòng của những người mẹ và những người vợ VN, họ đã tằn tiện để nuôi chồng nuôi con, nhưng bên cạnh đó tôi cũng phải nói thiệt, tôi vô cùng kinh hãi trước khả năng giấu tiền của các mẹ và bà vợ VN. Không biết trong room này bà con có biết vụ ruột tượng không ?

Mấy bà nhà quê mặc 4 cái áo, có lớp áo 2 áo 3, nó có túi đựng tiền bọc nylon, lấy kim tây ràng lại, bà nào cũng có một hai cái ruột tượng như vậy. Miền Bắc thì có ruột tượng, miền Nam thì có túi trong như vậy, thấy bán lá môn, xôi bắp, vậy mà con có đi lấy vợ là có nhẫn vàng cho dâu liền, hay vậy đó. Nhưng đàn ông thì không có khả năng mua vàng, khi nào có thu nhập kha khá chứ còn ba cọc ba đồng thì làm gì có tiền mua vàng như mấy bà. Tôi biết ở Vĩnh Long một bà cụ một đời đi cắt lá môn, mà bà lợp ngói lợp tôn được mười cái nóc chùa như vậy, dĩ nhiên là chùa nhỏ chùa làng ở dưới quê. Và dĩ nhiên nói về mặt tích cực thì là sự dè sẻn tiết kiệm, nhưng nói trên mặt tiêu cực thì phải nhìn nhận là sự bủn xỉn vắt chày ra nước.

Tôi kết lại bài kinh này không phải là nói xấu phụ nữ. Trong kinh có câu chuyện thế này : Có ông vua đang ngồi với Phật có người báo hoàng hậu sanh công chúa, ông nghe ông buồn. Đức Phật hỏi “đại vương có an lạc không “? Ông trả lời “tạm thời không an lạc vì con muốn con trai mà vợ con cứ sanh con gái hoài” . Đức Phật Ngài dạy rằng”Tại sao phải coi thường phụ nữ, tại sao phải buồn khi sanh con gái mà không chịu nhớ rằng tất cả những người đàn ông vĩ đại nhất, nam tử hán đại trượng phu, đầu đội trời chân đạp đất, quy phong lẫm lẫm quang mimh lỗi lạc, tài ba cái thế trên đời này, tất thảy đều do đàn bà sanh ra, chưa bao giờ có chuyện do đàn ông sanh ra”.

Sở dĩ ở đây nói đến ba tật xấu của phụ nữ để làm cái gì ? không ai dám nói xấu các nàng, họ là mẹ của vũ trụ là mẹ của nhân loại, không ai mà nói xấu được. Nhưng có vấn đề thế này: Tánh xấu ở họ nó hơi bị nhiều, cho nên nếu là nam nhân, mình kiểm soát nếu mình có ba cái này hơi nhiều thì mình cũng phải tự bỏ gấp, bởi vì coi chừng nó lọt qua bên nhóm phái đẹp sau này thì rất mệt.

Còn nếu mang thân nữ thì mình tự kiểm soát, nếu thấy ba cái này của mình nó hơi nặng thì cũng tìm cách mình tháo bớt, để mai mốt mình đứng bên phía hàng ngũ có râu, đổi kiếp lẹ lắm, tắt thở là qua bên có râu đứng. Bài kinh này chỉ nhắc nhở cho chúng ta chứ không có ý nói xấu ai hết, đạo Phật từ bi lắm .
 
Tứ Diệu Đế

✅ Không có ai chịu khổ mà chỉ có sự khổ.

✅ Không có ai tạo khổ mà chỉ có nguyên nhân sanh khổ.

✅ Không có ai giải thoát khổ mà chỉ có cứu cánh thoát khổ.

✅ Không có ai tu tập con đường thoát khổ mà chỉ có con đường thoát khổ.

Đó là định nghĩa sâu sắc nhất của Phật giáo về Tứ Diệu Đế.

Chứ nếu không mình cứ tưởng là có khổ đế thì phải có đứa chịu khổ, có tập đế thì phải có đứa tạo ra khổ, có diệt đế Niết Bàn thì phải có đứa nó chứng Niết Bàn, có đạo đế là phải có đứa nó tu bằng con đường thoát khổ.

Chỉ có cái tu, danh sắc nó nối đuôi nhau.

Cho nên có một cái ngộ nhận cực lớn ở đây là nhiều người tu Tứ Niệm Xứ mà không học giáo lý nên họ đi tu toàn là bằng cái Tôi không. Họ vô chùa họ vác nguyên cái Tôi to đùng vô thiền viện họ tu.

"Bữa nay Tôi có chánh niệm tốt hơn Tôi ngày hôm qua, Tôi bữa nay nhịn tốt hơn Tôi lúc chưa vào thiền viện, bữa nay Tôi ngồi lâu hơn Tôi tháng trước,..."

Vác cái Tôi to đùng vào trong thiền viện. Các vị thử tưởng tượng, cái thiền viện có chừng 100 mét vuông mà mỗi em vác cái Tôi 50 tấn thì nhét ngã nào cho nó lọt? Cho nên mình có ngồi thiền, có này nọ, nhưng mà khả năng bùng nổ chiến tranh cực lớn. Bởi vì sao? Vì ngay trong thiền viện người ta đã vác cái Tôi to đùng vào trong đó. Mà cái Tôi này cọ quẹt va chạm với cái Tôi kia, tránh để không xảy ra sự va chạm thì hình như hơi khó.
 
Tà kiến

Tà kiến là Hiểu sai.
Tà kiến có nhiều lắm, nó có tới 62 lận. Mà ở đây mình gom lại thì có hai là thường kiến (sassatadiṭṭhi) và đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) - mà cái nặng nhất là đoạn kiến.

Thường kiến sửa được. Thường kiến là tin có một cái tôi, tin có một cõi vĩnh hằng, tin có một đấng cao xanh nào đó. Cái đó sửa được.

Nhưng ớn nhất là cái anh đoạn kiến, nhất là tà kiến cố định. Là sao? Tà kiến cố định (niyatadiṭthi) gồm có 3:

1. Vô hành kiến (akiriyadiṭthi) cho rằng không có thiện ác thích thì làm không thích thì thôi chứ không có cái chuyện mà báo ứng.

2. Vô nhân kiến (ahetudiṭthi) có nghĩa là cho rằng mọi sự ở đời này là ngẫu nhiên mà có chứ không có cái nhân duyên, cái tác động của bất cứ một điều kiện nào hết. Tự nhiên nó có vậy thôi. Cái đó gọi là ahetudiṭthi.

3. Vô hữu kiến (natthikadiṭthi) có nghĩa là phủ nhận triệt để rốt ráo hoàn toàn tuyệt đối. Phủ nhận tất cả những gì mà mình không hiểu được, không thấy được, không chứng minh được, thì tất cả những thứ đó theo mình là không có.

Cái Vô hữu kiến đó rất là nguy hiểm, rất nguy hiểm.

Chẳng hạn như các vị tưởng tượng đi, tôi không biết chữ, tôi không biết gì hết làm sao tôi có thể hình dung ra được cái cấu trúc của một chiếc máy bay. Làm sao tôi hình dung ra được sự hiện hữu của chiếc máy bay trên cuộc đời này. Thế là tôi phán rằng không có một phương tiện nào có thể bay lên trời được hết. Mà nhất là nó nặng mấy trăm tấn lận. Nó nặng tới mấy trăm tấn. Trong khi một cục đất nó nặng chừng khoảng 100 gram thì nó không cách nào bay lên trời được. Mình cầm mình liệng thì được chứ nó bay suốt mấy tiếng đồng hồ thì không thể nào. Còn bây giờ một cái khối kim loại mấy trăm tấn mà nó bay lên trời suốt cả 10, 15, 20 tiếng đồng hồ thì tôi hỏi quý vị chứ nếu mà lấy cái não trạng của một người không biết chữ thì quý vị hiểu bằng cách nào đây?

Mà nếu mình dựa vào cái biết của mình để phán đoán rằng: tôi tuyệt đối phủ nhận bất cứ cái gì tôi không hiểu được, không thấy được, không chứng minh được thì đó là cách nói quá nguy hiểm. Vậy mà có, có đó. Đừng có nói người ta ngu mà rồi không có, có cái đó thiệt. Chứng minh là người ta đã nhân danh khoa học, nhân danh tri thức, nhân danh thái độ của một người tiến bộ người ta đã phủ nhận sự có mặt của thứ mà bản thân họ không cách nào hiểu được, không thể nào chứng minh được.

Thí dụ như kiếp trước kiếp sau, luân hồi báo ứng, sự chứng đắc của các bậc thánh nhân và cuối cùng là cứu cánh niết bàn. Đây là những cái mà không thể nào chứng minh một cách điển hình cụ thể rõ ràng để mà có thể sờ đụng được. Đây, khi mà họ không chứng minh được họ bèn phán một câu xanh lè đó là: "Không có. Cái gì tôi không thấy, không tin, không chứng minh được thì cái ấy không có thật." Cái đó gọi là natthikadiṭthi nhé.

Thì 3 cái này được gọi là niyatadiṭthi, là tà kiến cố định. Mắc vào ba cái này chỉ có trời cứu.

9XNUIzi.jpeg
 
Sửa lần cuối:
NGAY TRONG THUỞ CÒN PHÀM PHU, CHÚNG TA CÓ NHẬN DIỆN ĐƯỢC PHIỀN NÃO CỦA MÌNH HAY KHÔNG ?

Trong room quí vị cần nghe kỹ chỗ này :

Tất cả phàm phu ai cũng sân si, kiêu căng một bụng, nhưng trong đám phàm phu ấy có một người học đạo biết đạo, họ có khả năng nhận diện, đây là một chuyện rất lớn.

Khi nào chứng thánh thì trừ được phiền não, trong đó có sân hận và kiêu mạn đó là đương nhiên. Nhưng ngay trong thuở còn phàm phu, chúng ta khác nhau một điểm là có khả năng nhận diện được phiền não của mình hay không ? Đây là chuyện quan trọng nhất.

Ngay trong Tứ Niệm Xứ, hành giả buổi đầu mình phải tựa nương vào các niệm xứ ví dụ như : Đi biết đi? thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào, nhưng dầu niệm Thân -Thọ -Tâm -Pháp rốt ráo, cuối cùng chúng ta cũng phải có khả năng nhận diện cái gì nó đang diễn ra.

Và tôi nhắc lại trong Tứ Niệm Xứ không có chuyện kiếm tìm, mong đợi, xua đuổi hay tống khứ bất cứ cái gì (thiện ác buồn vui), mà nội dung tinh thần lý tưởng rốt ráo của Tứ Niệm Xứ là nhận diện. Nhận diện đây là thiện, ác, chỉ nhận diện, chỉ nhìn thôi, nhận diện nó đang mất đi và nó vừa mất.


Khi nhận diện được thiện ác, coi như chúng ta đi được nửa đường, khi thấy được tánh sanh diệt thì chúng ta có thể đi đến chỗ rốt ráo của việc tu chứng. Bởi vì chứng thánh là gì ?

Là thấy được bốn Đế, mà Đế đầu tiên là Khổ Đế, nội dung rốt ráo của Khổ Đế là tánh sanh diệt. Tập Đế là niềm đam mê trong những thứ sanh diệt, trong bất cứ cái gì nó còn sanh diệt.

Nói như vậy ngay Bát Thánh Đạo, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy trong tâm của mình nó được gọi là Đạo Đế trong ý nghĩa, trong vai trò nó dẫn đưa mình đến cứu cánh giải thoát, trong trường hợp đó nó được gọi là Đạo Đế, nhưng bản thân Bát Thánh Đạo cũng là Khổ Đế bởi vì nó còn nằm trong vòng sanh diệt.

Thí dụ như Chánh Kiến là trí tuệ, mà trí tuệ nó là tâm Sở nó đi cùng với tâm Thức, không bao giờ tâm Thức đi một mình, nó luôn luôn đi cùng với tâm Sở. Quí vị có thể ngạc nhiên tâm Thức hồi nào tới giờ chưa nghe, đây là chữ của tôi dùng dịch thế cho tâm Vương.

Chữ Nhận Diện ở đây có nghĩa là bước đầu mình nhận diện được đây là thiện, ác, buồn, vui, bước hai chỉ có thấy tánh sanh diệt, từ chỗ này mình mới thấy được bốn Đế.Thấy được bốn Đế là sao ?

-Khổ Đế là những gì đang sanh diệt
-Tập Đế là niềm đam mê trong sự sanh diệt đó
-Diệt Đế là sự vắng mặt của niềm đam mê ấy
-Đạo Đế là sống và hành động bằng ba nhận thức vừa kể.
 
Sửa lần cuối:
---THU THÚC LỤC CĂN ---

...Nội tâm chúng sanh rất dễ bị tấn công, bị tổn thương.
👉
Cho nên, đóng cửa các căn là tốt. Buổi đầu, close the door. Giai đoạn hai là thấu suốt.

1/ Cấp 1 : Thu thúc lục căn là hạn chế nhìn, nghe, đòi hỏi của mắt tai mũi lưỡi.
2/Cấp 2 : Thấu suốt, biết tại sao không nên để tâm bực mình.


♨️
Tu Bát Quan trai là một cách đóng cửa, giữ 5 giới, vào thiền viện, chánh niệm, giới luật thiền định,… là một cách đóng cửa, buổi đầu. sẽ có ngày các vị mở mắt, thõng tay vào chợ mà vẫn ung dung.
♨️
Cho nên, 84000 pháp môn hay 37 bồ đề phần nói gọn lại nó chỉ còn trong 1 chữ thôi, Tu là làm việc với chữ Thọ, chữ Tưởng.

🔸️
Dục tưởng, thiền tưởng (người tu tập thiền định, là từ mình gọi chung còn kinh điển pali gọi 1 cái là samatha = concentration,),
🔸️
Quán tưởng (chánh niệm & trí tuệ = vipassana = insight = nội quán)
Buổi đầu chỉ là đóng cửa, dần dần thấu suốt.

♨️
Trước đây mình để 6 căn thả dàn, nhưng bây giờ thì không, chuyện quý vị không lui tới những nơi chốn nào đó vũ trường, sòng bài,.. là tu xúc, tránh tiếp xúc những người bạn buông thả,… vào chùa nhiều hơn ở nhà cũng là tu xúc.

🔸️
Tu thọ là sao ? Không biết phật pháp thì chạy theo các cảm giác. Biết Phật pháp thì biết tất cả do duyên mà có, là mầm khổ thôi

🔸️
Tu Tưởng = Dục tưởng (ảo giác, khái niệm giả lập), Thiền tưởng (đất, nước, lửa gió, xanh vàng đỏ trắng hư không ánh sáng gom hết vũ trụ trong 10 thứ này thôi)
🔸️
Quán tưởng (buổi đầu mượn.. quan sát tóc lông móng răng da,….
… Cái này là sắc, thọ, tưởng, hành thức,.. biết cái này là vô thường, khổ, vô ngã, là đất nước lửa gió, là 13, 14, 25 , biết cái này là khổ tập diệt đạo.
Hoàn toàn là chân đế.

♨️
Còn buổi đầu vẫn phải mượn cảnh tục đế (đi đứng nằm ngồi, hơi thở vào ra … là cảnh tục đế).

Tu là chỉ làm việc với 1 chữ tưởng thôi.

💥
Tu với 6 tư : Không để cho tư bất thiện có mặt. Tâm sở tư đi trong tâm tham, sân, si. Biết rõ tư thiện đang có mặt, biết rõ tư bất thiện đang có mặt. Đối với tư bất thiện có mặt biết nó thì nó mất, còn tư thiện biết nó thì nó phát triển. tư bất thiện (-) biết nó là (+) thì nó biết mất.

💥
Còn chánh niệm là +, tư thiện là (+) thì nó tăng trưởng.

💥
Cho nên ở đây, mình hoàn toàn có thể nói tu là làm việc với 1 chữ thôi : Xúc, thọ, tưởng, tư. Tùy nhận thức mỗi người mà dẫn đến hành trì.

💥
Con đường hành trì phải thiết lập trên nhận thức.

Trình độ dẫn đến thái độ
.

Như vậy trong 3 mật của người Nhật,
👉
1. Không tự giam nhốt mình trong không gian khép kín = theo Phật pháp, là không giam nhốt trong phiền não đặc biệt nào ; hoặc thành tựu thiện pháp nào.
👉
2. Tránh tiếp xúc gần.
👉
3. Tránh đám đông.

Qua mật thứ 3 là khi mình hiểu được bản chất mình là cô đơn thì không có nhu cầu tìm đến đám đông, sự xô bồ, họp mặt của nhiều cá nhân, là chỗ 6 trần quần tụ, họp mặt.

🔸️
Người sống một mình = Không hẳn đi một mình ngồi một mình mà không để 6 căn buông thả, làm chủ được 6 căn. Mắt thấy chỉ biết mắt thấy. tai nghe chỉ biết tai đang nghe. 6 trần họ không tránh được, không phải 6 trần đi kiếm. Đối với hành giả tứ niệm xứ, không đi kiếm mà sống hết mình với chánh niệm hiện tiền. thí dụ, họ ngồi yên, không xài mắt tai mũi lưỡi, họ chỉ biết 1 chuyện: hơi thở, biết nó đang vào ra, tâm trạng đang diễn ra bây giờ, tâm tham đang có mặt, thọ khổ, thọ lạc đang có mặt,… theo dõi hơi thở, oai nghi, thể trược,… họ biết cảnh không tránh được thôi. Ngoài ra họ không kiếm tìm.

☘
Người Ý có câu : ở với nhau 3 ngày thì bị sình.
☘
Tàu có câu : Cần lai thân giả sơ = gần nhau quá thì hóa dở.
☘
Tây có câu : dầu là anh hùng, vĩ nhân thì hãy xem họ như bức tranh.


🔸️
Tránh thứ có hại, và thứ có lợi thì nên tiếp xúc như thế nào.
Người tu học là phải : What = mình đang làm việc với cái gì ? Như thế nào ? How long ? How much ?
Tránh xa= không kiếm tìm, chia trí, nặng lòng.
Không có lợi không tiếp xúc đã đành.

🔸️
Có lợi cũng phải có cách tiếp cận, cách thức, khoảng cách, thời lượng.
Trước hết, đó là ai ? cách thức ? thời lượng ?
🔸️
Trú xứ cũng vậy : ở đâu ? ở như thế nào ? ở bao lâu ?
🔸️
Vật dụng : xài cái gì ? như thế nào ? xài bao lâu ?

Phải nắm rõ mấy cái này mới hiểu cái thứ 2 : what ? How ? how long ? how much ?
………
***Mật 3: tránh vật lộn, cọ xát với 6 trần.
Tiếp xúc với cùng lúc quá nhiều người chỉ thêm phiền thôi quý vị.
 
KINH TẾ NHỊ

Trong Chú Giải, nội dung bài Kinh có ý nghĩa thế này:

Chúng ta có hai cách nhìn về thế giới này, cách nhìn thứ nhất là cách nhìn trên phương diện tục đế hay là chế định, hay là thi thiết, hay là biến kế sở chấp, cách nhìn của thế trí biện thông.

Chúng ta thấy chúng ta nhìn một cái cục đất thì chúng ta gọi đó là cái tượng gốm, cái bình gốm, mà trong khi đó nói chung quy lại thì cái tượng gốm hay là cái bình gốm thì nó cũng chỉ là từ cái cục đất đi ra, mà tùy thuộc vào cái hình dáng, tùy thuộc vào cái màu sắc, tùy thuộc vào những chi tiết này nọ ở trên một cái khối đất, một miếng đá, một miếng kim loại, một miếng gỗ, một miếng nhựa, thì chúng ta mới gọi tên nó theo cái cách hiểu thường thức của thế gian.

Mình gọi đó là nam, là nữ, nhưng thật ra nó chỉ là một khối thịt, da, gân, xương thôi với một mớ lục phủ ngũ tạng là mình mới gọi đó là nam, đó là nữ, chứ còn mà mình bỏ vô cối mình quết thì ai cũng như người nấy, khi bỏ vô lò thiêu thì ai cũng như người nấy, bánh xe mà nó nghiến qua rồi thì ai cũng như người nấy thôi, nhưng tùy thuộc vào hình dáng, màu sắc và những chi tiết lớn bé của khối vật chất thì mình gọi đó là nam, là nữ, là thùng, thau, chum, chóe.

Rồi về tinh thần chúng ta cũng có những cái khái niệm, thí dụ như khái niệm về hội họa, ngoài con mắt ra, ngoài cái thị giác nó còn có cái giác quan thứ sáu nữa, rồi những khái niệm về hội họa, những khái niệm về âm nhạc, những khái niệm về kiến trúc, thì những hình dung, những liên tưởng đó mình gắn lên nó vô vàn những cái khái niệm, những cái ý niệm, những cái quan niệm, những thành kiến, những định kiến, những cái biên kiến.


Thì cái cách mình quan sát thế giới như vậy đó được gọi là quan sát theo cái phương diện tục đế hay là chế định, hay là thi thiết.
Cái cách nhìn thế giới thứ hai tức là mình nhìn ngắm nó từ góc độ bản chất, cái cách một là quan sát nó trên cái hiện tượng, nhưng mà cái cách hai là quan sát nó trên bản chất, thì cái cách quan sát này, chỉ có chư Phật mới dạy cho mình biết thôi, có chư Phật ra đời mới dạy cho mình từng bước, từng bước như là mẹ dạy con vậy đó.

Trước hết là Ngài dạy rằng cái thân này nó dơ lắm, người ta gọi là đẹp xấu, già trẻ, nam nữ gì đi nữa thì chỉ là 32 thể trược, tóc lông móng răng da, thịt gân xương tủy thận, tim gan mật đàm mủ máu mồ hôi phẩn nước tiểu gì đó, thì đó là cách một, là đối với một số người hữu duyên họ nghe vậy họ đã oải rồi, họ đã chán muốn buông rồi.

Nhưng mà có một số người thì họ không có thích nghe cái kiểu đó, mà họ thích nghe cái kiểu nó rốt ráo hơn, đó là Ngài dạy rằng nam phụ lão ấu, già trẻ, bé lớn, đẹp xấu, da trắng, da vàng gì đi nữa thì chỉ là một khối 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, chỉ là 4 đế, chỉ là 12 duyên khởi, chỉ là 24 duyên hệ, chỉ vậy thôi! Thì cái cách nhìn rốt ráo này được gọi là nhìn qua khía cạnh chân đế. ..

Kinh này, chúng tôi căn cứ vào Chú-giải mà giảng, chứ chúng tôi tuyệt đối không có giảng theo ý riêng. ..

Ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng khi mà một vị hành giả nói chung và một vị Tỳ-kheo, ở trong bài Kinh này Đức Phật gọi Tỳ-kheo nói riêng, khi tu tập tuệ quán, khi mà vị đó quan sát sắc, thọ, tưởng, hành, mà từ cái góc độ chân đế, từ cái gốc độ rốt ráo, khi mà đã có được một cái nhìn như vậy, vị ấy không muốn quay lui.

Một cái người mà họ đã thấm thía rốt ráo cái bản chất chân đế của sắc, thọ, tưởng, hành, thì họ không còn có cái ý muốn gọi là quay lui để mà quan sát thế giới từ cái góc cạnh chế định nữa, chẳng qua là vì cái đời sống, vì cái nhu cầu trước mắt thì người ta phải tiếp tục ăn uống, tắm rữa, đi đứng, nói cười, tôi nhắc lại lần nữa, thấm thía rốt ráo, chứ còn cái kiểu mà tu cà lơ phất phơ, ầu ơ ví dầu ..., tôi muốn nói là cái người mà thấm thía thật sự, biết chán sợ cái tánh sanh diệt của danh sắc, dầu là phàm nhưng mà thấy rõ và tin chắc rằng đời sống của mỗi người chỉ là cái sự lấp ráp, ghép nối của từng cái sát na sanh diệt, mình thấy mình ngon lành, mình đẹp, mình giỏi, nhưng mà thật ra đó chỉ là một khối năm uẩn thôi.

Trích bài giảng KTC - 76
 
NHỮNG MỐI BẬN LÒNG

Muốn có chánh niệm thì cần thiết phải dọn dẹp hai chỗ:

- Dọn trong lòng.

Bớt đi những bận lòng, những bận rộn không cần thiết, những cái không đáng nhớ, những cái làm khổ mình. Không nhớ tùm lum chuyện quà cáp sinh nhật, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, tân gia, email, điện thoại tin nhắn, thương người này, giận người kia, ghét người nọ, cảm ơn người này, lên lớp dằn mặt người kia v.v..., cái đầu chứa quá nhiều thứ thì không kiếp nào mà chánh niệm được.

- Dọn ở ngoài.

Hạn chế nhu cầu ăn, mặc và sinh hoạt. Trong phòng có cái gì không thật sự cần thiết thì nên can đảm bỏ đi để mắt, mũi của mình không bận tâm tới những thứ không cần thiết đó.

Trong phòng ít đồ thì ít bụi; ít đồ thì không có gián, chuột, rắn; ít đồ thì không bị vướng tay vướng chân.

Trong lòng phải bớt những chuyện bận tâm, ở ngoài thì hạn chế tiết giảm tối đa từ trang phục đến vật dụng, thì tôi hứa với quí vị chánh niệm sẽ "lên vun vút". Còn nếu quí vị không thay đổi nếp sống thì không bao giờ, không thể nào chánh niệm tốt được. Phải dọn sạch trống trong lòng. Phải hạn chế những mối bận lòng trong và ngoài đời sống của mình.


Không có mô tả ảnh.
 
Kinh (48) SỰ KỊỆN KHÔNG THỂ CÓ ĐƯỢC

Kinh 48 là chuyện bất khả thi:


1. Không ai tránh được tuổi già.
2. Không thể tránh được bệnh tật.
3. Cái chết.
4. Mất mát này nọ.
5. Cái gì cũng phải có lúc kết thúc.


Phải thấy và chấp nhận những sự thật đó không phải để sống bi quan hay sợ hãi hoảng loạn mà để có những chuẩn bị thật tốt.

Tất thảy những chuyên gia cứu hộ trên hành tinh này gồm chuyên gia cứu hộ hàng không, hàng hải, đường bộ, nhân viên cứu hoả, hoặc những tai nạn lao động, tai nạn xã hội nói chung thì tất cả những chuyên gia cứu hộ họ đều có một nhận xét giống nhau là: "Trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh thì các nạn nhân bình tĩnh luôn có cơ hội sống xót cao hơn những người hoảng loạn thiếu bình tĩnh".

Đó là họ không biết đạo họ chỉ nói về chuyện thoát thôi, nhưng trong đạo Phật thì thêm một cái nữa đó là: Bên cạnh cơ hội thoát nạn mà nếu không thoát được, thì cái cơ hội đi lên của người có chuẩn bị sẽ cao hơn người không có chuẩn bị.

Là vì mỗi người phải đi đầu thai theo 1 trong 4 thứ nghiệp sau đây:

🌱
1/ Trọng nghiệp thiện ác - garukamma: là những thiện ác to tát.


- Trọng nghiệp thiện: trong đời mình đã làm những công việc lớn lao như cứu mạng nhiều người, giúp đỡ người đức độ hoặc hộ trì tam bảo bằng những Phật sự quan trọng.

- Trọng nghiệp bất thiện: làm những tội lỗi to tát tầy đình (to như cái đình), tầy liếp (to như miếng đất).

🌱
2/ Thường nghiệp thiện ác : là những cái gì đó không cần to lắm mà mình cứ làm hoài thì nó cũng có một sức mạnh kinh dị lắm.


- Là những nghiệp nào mà mình cứ làm hoài. Thí dụ như năm 15 tuổi cứ đứng bán hàng tạp hoá hoài, cứ cân đong đo đếm, le lưỡi tính tiền...suốt nhiều năm như vậy cả đời cứ đứng ra buôn bán. Hoặc cả đời cứ mò cua bắt ốc, buôn gian bán lận, bài bạc chích hút, đâm heo chuốc chó, lừa thầy phản bạn, mãi quốc cầu vinh, cả đời cứ làm hoài hoài mấy cái chuyện đó thì được gọi là thường nghiệp.

🌱
3/ Khinh thiểu nghiệp thiện ác : là những thiện ác mà mình làm lai rai lâu lâu làm 1 lần.


Thí dụ như đi chùa 1 tháng hay 3,4 tháng mới đi chùa 1 lần. Lâu lâu cũng móc túi ra làm phước cho chỗ này chỗ kia 1 lần. Hoặc lâu lâu có ai rủ đi câu, đi săn, đi đá gà, đánh bài, nhậu nhẹt gì đó thì cũng đi theo. Lâu lâu cứ làm mỗi thứ lai rai đều đều như vậy cả đời thì cái đó gọi là khinh thiểu nghiệp.

🌱
4/ Cận tử nghiệp thiện ác : trước giây phút lâm chung thì tâm mình leo lét, leo lét như cái người chết đuối gặp cái gì chụp cái nấy.


Cái nghiệp đó được gọi là cận tử, nhưng đừng coi thường nó bởi vì nghiệp cận tử là cái phao cứu sinh hay là cái trái thuỷ lôi là tuỳ theo mỗi người. Trái thuỷ lôi là loại trái nổ mà người ta để dưới nước, trên bờ gọi là mìn (lựu đạn). Thì lúc mà mình chết đuối mà chụp vào cái phao thì coi như khoẻ, còn chụp trái thuỷ lôi là coi như game over hết phim.

Ở đây cũng vậy khi mình đang chập chờn leo lét cuối đời mà khi có lời kinh tiếng kệ lọt vào tai biết đâu đó cũng là cái gợi ý để theo đó mà mình đi.

Tôi giảng cái nó hơi ngoài bài kinh nhưng rất cần thiết. Vị đệ tử của Đức Phật có học đạo nên biết rõ là già, bệnh, chết không thể nào tránh được, mọi thứ có rồi phải mất đi, có rồi phải kết thúc. Vị ấy biết rõ nhưng không phải để sống bi quan hay sợ hãi mà là để có những chuẩn bị thật là tốt.

Trích bài giảng KTC-119
 
Thầy Bạn

Tất cả những người nào mình thường xuyên gặp gỡ thì đó là thầy bạn của mình; những đề tài suy nghĩ nào quẩn quanh trong đầu mình thì đó cũng là thầy bạn của mình.


Trong điều kiện thế giới hôm nay có internet, báo chí, sách vở, cho dù mình đóng cửa không gặp ai nhưng mình cứ vùi đầu vào trong những thứ đó cũng gọi là mình đang có một số bạn bè. Nếu là những cuốn sách bài báo, websites hay thì đó là bạn lành, còn nếu là những trang web, bài báo tin tức tầm bậy thì đó là những người bạn xấu. Phải nhìn nhận rằng cái gì mình gần gũi, mình thường xuyên tiếp xúc liên lạc nhất, thì đó chính là người bạn của mình.

Người bạn nào mình thường xuyên tiếp xúc gần gũi mà lòng lành, thiện pháp, đạo tâm của mình phát triển thì đó được gọi là bạn lành, minh sư, thiện hữu. Còn cái gì mình càng tiếp xúc mà con người mình càng bệ rạc, hư đốn thì gọi là bạn xấu, thầy xấu.

Muốn có bạn lành mình phải là người lành, mình mới có khả năng nhận thức được người lành; khi mình không phải là người lành người thiện thì mình không nghĩ đến chuyện gần người thiện, không tha thiết không mặn mà với người thiện và có gặp họ mình không biết vì không cùng tần số.

Phải có khả năng liên thông với hiền thánh, mưa trên trời rơi xuống không phân biệt nơi chốn nhưng không phải chỗ nào cũng đón nhận lợi ích từ cơn mưa, sân xi măng hay tấm bạt thì sẽ khô đi sau đó, nhưng cơn mưa đổ xuống một miếng đất đã dọn sạch cỏ, đã gieo trồng hạt giống, thì mưa xuống là vô cùng lợi lạc.

Nếu mình chưa dọn lòng thì mưa pháp trút xuống cũng như không, có gặp hiền trí thì mình cũng như muỗng trong nồi canh.


"Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu."

"Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu."

"Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh."

"Người trí, dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh."


Trích Tương Ưng Bộ Kinh tập 1
 
KHÔNG XEM CÁI NÀO LÀ DUY NHẤT LÀ TẤT CẢ

🔺️
Thà sống trong quả xấu nhưng đừng sống với nhân xấu.
🔺️
Nên thiết tha với nhân lành, nhưng không thiết tha với quả lành (Quả lành tức là đẹp, sướng, chăn êm nệm ấm).

Như vậy, tôi quay lại.
Lành lặn chưa chắc là phúc.

♨️
Qua tới mặt tâm linh, tinh thần : Có giới, có thiền, ngay cả có trí chưa chắc là phúc. Bởi vì, nền tảng của chúng ta là cái gì ?

💎
Bố thí cho nhiều mà tà kiến, bố thí cho nhiều mà ngã mạn, bố thí cho nhiều mà ganh tỵ thì người đó chỉ là cái họa cho người khác.


Các vị thử tưởng tượng dùm tôi. Những người đàn bà được xem là đại phúc trong lịch sử nhân loại, bà Nguyên Phi Ỷ Lan của Việt Nam, bà Từ Cung của Việt Nam, bà Katherine của Nga, Võ Hậu Từ Hy của Trung Quốc, các vị dò lại dùm tôi đi, họ giàu, họ đẹp, họ có quyền lực, nhưng các vị coi sở hành của họ, hành trạng của họ không giống nhau. Nhớ nha. Cho nên, nhiều khi cái nhan sắc, quyền lực nó là cái họa nhiều hơn là cái phúc. Đó là nói về bố thí.

💎
Trì giới cũng vậy. Do sống gần bạn lành mà mình biết giữ giới, nhưng mình không có trau dồi thêm công đức khác. Đời sau sanh ra, đẹp đẽ, quyền lực, mà thiếu trí, thiếu từ tâm là chết.


Các vị tưởng tượng một người đàn bà, đẹp, có quyền lực mà lại không có trí tuệ, không có từ tâm thì các vị có nghĩ đó là đại họa không ? Nếu mà thằng vô danh nó lụm về nó cưới thì đỡ, đằng này ông sếp bự, ông vua, ông tướng, lãnh chúa, bá tước,… mà rước cái bà, đẹp, gia thế ngon lành, mà cái đầu không có trí tuệ, không có từ tâm không nhân hậu thì có phải đại họa cho người khác không ?

Như rất nhiều lần tôi nói. Chư Thánh như đức Phật, ngài Xá Lợi Phất, đi bát vì lòng đại bi, thì ai cúng cái gì các ngài cũng nhận, nhưng các ngài thấy nhiều cái ê chề lắm.

Có nhiều đứa nó ra làm phước mà nó nhân hậu, gốc nó là gốc lành, nhờ công đức cúng dường củ khoai, củ sắn này sau này nó thành minh quân, thánh chúa, giúp cho người ta biết là bao nhiêu. Sau này nó đi xuất gia thành bậc danh tăng, hoằng dương chánh pháp, phổ độ quần sanh, uy tín, năng lực, sung mãn, phong phú.

Nhưng có những người, khi họ ra cúng dường, Ngài liếc, Ngài nhìn Ngài thấy liền : Tên này, nhờ nó cúng dường củ sắn, củ khoai này, sau này nó thành tên đại đế, quyền lực nghiêng trời mà tâm cơ nó tệ lắm, rồi đây sẽ có bao nhiêu người sống trong đất nước của nó, đứa nào gian được thì gian, ác được thì ác, khổ được thì khổ. Ghê như vậy.

Ngài thấy có những người đem hoa cúng dường, Ngài biết, tâm tánh này nè, mà cộng với công đức hôm nay, sau này nó sanh ra đời nó đẹp 1000 triệu kiếp luôn, đẹp lắm, cúng bông cho Phật, cho Thánh mà. Mà với tâm cơ của đứa này, cái đẹp của nó là cái họa cho người khác. Nhưng mà giờ sao ? Vì lòng đại bi mà, phải nhận. Ngán lắm.

Cho nên, về mặt sinh học, không bị tàn tật chưa chắc là phúc. Về mặt tâm linh tinh thần, bao nhiêu công đức, đức lành, hạnh lành, đức tánh đều đáng tu học nhưng không có cái nào nên xem là DUY NHẤT, là TẤT CẢ, chuyện đó TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN.

👉
👉
👉
Đức lành nào, đức tánh nào cũng nên tài bồi, vun xới, nên rất là nên, tuyệt đối nên, bắt buộc phải. Nhưng không có một hạnh lành, đức tánh nào mà mình xem là tất cả, là duy nhất, là tuyệt đối, là đại diện cho những thứ còn lại là vô cùng nguy hiểm...

Trích bài giảng SO SÁNH
 
THÂN KIẾN

Thân kiến là cái nhìn liên hệ đến ‘ngã’. Là cái nhìn cho ta thấy có sự ràng buộc giữa cái gì đang xảy ra vào ý niệm ‘ngã tính’. Hơi khó hiểu, thí dụ cái ly này giả sử nó rớt xuống bể thì chúng ta ngồi đây sẽ có hai phản ứng.
Một là cảm thấy mất mát lớn nếu ly đó là của chúng ta.
Một phản ứng khác dửng dưng hơn nếu cái ly đó không phải của chúng ta.


Cái ‘của chúng ta’ và ‘không của chúng ta’ nó tạo sự khác biệt rất lớn trong đời sống.

Thân kiến nói theo đạo Phật là cái nhìn “Ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn. Ở trong ngũ uẩn có ta và trong ta có ngũ uẩn”.
Một cảm giác, niềm vui nỗi buồn của ta có đến và có đi, nhưng thái độ của ta đối với cảm giác cảm thọ đó nó khiến ta có những phản ứng lớn. Thí dụ khi nghe ai nói nặng xúc chạm tự ái ta thấy tức giận, điều đó có nghĩa là ‘cảm thọ là ta, ta là cảm thọ, trong cảm thọ có ta’.

Chúng ta đang ngồi đây, Phật tử A nói nặng Phật tử B một câu, quí vị khác thì thấy bàng quan, ờ thì đi chùa đụng chạm nhau thôi. Nhưng ngày mai cô B ra ngoài đường bị ông Mỹ đen đánh chẳng hạn, thì chúng ta cảm thấy rất giận nói ờ người VN bị Mỹ đen ăn hiếp. Thì lúc đó chúng ta thấy cô B có quan hệ với chúng ta, cổ bị Mỹ đen ăn hiếp, trong khi cổ ở giữa những người VN chúng ta thì mình không thấy như vậy.

Tức là quan hệ giữa một người với chúng ta nó là một ý niệm, là một quan hệ hoàn toàn có tính cách quy ước.

Ở trong nhà, mình thấy anh em ruột thịt nhưng ‘chuyện của mày mày lo chuyện tao tao lo’. Chuyện ai nấy lo không thể lo cho nhau được. Nhưng nếu ra đường ai đụng tới anh em của mình thì lúc đó mình nói là ‘anh của mình em của mình’.

Thậm chí chúng ta có thể bênh vực một người tại vì người đó cùng địa phương với mình hoặc cùng màu da với mình. Trong khi cũng là những người đó nhưng ở trong hoàn cảnh bình thường khác thì mình không quan tâm tới họ, tới sự sống chết của họ. Có nghĩa lúc nào đó trong hoàn cảnh nào đó mình thấy mình với họ có sự ràng buộc.

Cái đó Phật gọi là thân kiến.
Chúng ta có vô số những sợi dây ràng buộc liên quan tới thân kiến, cụ thể là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

💎
Sắc là những cái cụ thể thuộc vật chất, thuộc về thân chúng ta. Cái đẹp cái xấu khi nó thuộc về ta thì ta có cảm giác khác. Nếu nó của người khác thì ta có cảm giác khác. Đó là ta có thân kiến ở trong sắc uẩn hay không.

💎
Thọ uẩn cũng vậy.Nếu nghe hai người gây gổ nhau, ta thấy người này không quá đáng mà người kia phản ứng như vậy là quá đáng.
Ta nghĩ đáng lẽ họ không nên phản ứng như vậy. Nhưng nếu chúng ta là người trong cuộc thì ta sẽ nghĩ khác, vì khi đó ‘Thọ uẩn là ta, ta là thọ uẩn. Ở trong thọ uẩn có ta và trong ta có thọ uẩn’.

💎
Tưởng uẩn cũng vậy. Tưởng uẩn là sự hấp thụ giáo dục, văn hóa quá khứ của ta. Tại sao ta hãnh diện về văn hóa VN. Vì ở đó là nơi ta lớn lên, và bây giờ cái gì ta thể hiện ra ở đây tức là ta thể hiện kinh nghiệm của mình trong quá khứ. Ta quan niệm rằng cái gì đẹp thì nó phải đều, ở giữa và cả hai bên đều đẹp thì nó mới đẹp. Cái gì bên lớn bên nhỏ thì không đẹp, thì đó cũng chỉ là vấn đề văn hóa thôi. Nhưng chúng ta vẫn chấp đó là văn hóa VN, là ta có bổn phận phải bảo vệ văn hóa của mình. Tức là ta nói “Tưởng uẩn là ta, ta là tưởng uẩn. Ở trong tưởng uẩn có ta và trong ta có tưởng uẩn’.

💎
Hành uẩn là những quan niệm về thiện ác, cái đúng cái sai, đen trắng v.v…khiến ta chấp vào quan niệm thế giới này là ********, là tư bản, của tự do của dân chủ thế này thế kia. Những ý tưởng đó trở thành mật thiết trong đời sống và nếu ai động chạm chính kiến của mình thì mình lồng lộn lên. Ta phãn ứng mạnh mẽ vì ‘trong hành uẩn có ta, trong ta có hành uẩn’.

💎
Thức uẩn là cái gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Những cái này cũng gắn liền với tự ngã của mình.
Người vợ mua bức tranh về treo trong nhà mà người chống đối là vì cảm thọ về sắc của hai người không giống nhau. Nếu người vợ nghĩ treo bức tranh đó mà đụng chạm đến mình thì cái đó ta nói ‘thức uẩn là ta, ta là thức uẩn’. Mọi sự vật tồn tại độc lập hết, từ bản thân ta, con cái ta, tôn giáo ta, những người cùng một màu da…Tuy nhiên khi ta dán vào trong đó ‘cái này là của tôi’ rồi là ở đó có chuyện.

Do vậy thân kiến là một thứ kiết sử cột trói ta vào thế giới này. Kiết sử đó làm chúng ta có đôi lúc thấy rằng nó là chân lý bất di bất dịch. Trên đời này không ai sống mà không có thân kiến. Nhưng khi ở một lúc lắng đọng tâm tư nào đó ta sẽ thấy rằng cái gọi là thân kiến thật ra nó chỉ là ảo giác, nó hoàn toàn chỉ là ảo giác.

Ta có con, ta nghĩ đó là con của mình. Nhưng đến lúc nào đó con nó có cuộc sống của nó mà quan hệ giữa ta với con rất là tương đối thôi. Bởi vì nếu nó là của ta thì ta có thể an bài tất cả mọi thứ cho nó. Nhưng thực sự nó lớn lên như một cá thể độc lập mà ta không thể nào kiểm soát hoàn toàn. Ta chấp cái này là của mình, cái kia là của mình, nhưng thực sự không phải vậy.

👉
Ta sống bằng thân kiến ta khổ vì nó, và ta sẽ cảm thấy trống vắng nếu ta không có nó. Giống như ta nhìn dòng xe chạy trên đường, xe đẹp thật nhưng xe là xe của thiên hạ, không phải của mình. Nếu mình mua một chiếc xe dầu rất cũ, tuy cũ nhưng mình vẫn nâng niu vì lúc đó mình dán nhãn hiệu đó là xe của mình, mình đã cảm thấy nó khác đi.

Nhưng quan niệm về ngã tính là quan niệm không thể nào khác và chúng sanh trên đời này trầm luân vì cái sợi dây cột đầu tiên và nặng nhứt đó là ‘thân kiến’.

Chúng tôi xin dành thì giờ nói về bốn quan niệm về thân kiến: ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn, trong ngũ uẩn có ta và trong ta có ngũ uẩn. Quí vị sẽ hỏi tại sao phải nói chi tiết vậy?

Nói ‘ngũ uẩn là ta’ nó khác với ‘ta là ngũ uẩn’. Ngũ uẩn đáng lẽ nó là một thế giới khách quan nhưng ta biến nó thành thế giới chủ quan. Quí Phật tử đi chùa lâu nói chùa này là chùa của mình, mấy sư này là sư của mình. Đó là ta lấy khách quan ở ngoài làm chủ quan.

Đôi khi lấy cái chủ quan làm cái khách quan, tức là ‘ta là ngũ uẩn’, tức là một sự áp đặt lên đó. Thí dụ ta thấy người khác lấy lá cờ VN làm cái gì đó thì ta thấy quan niệm về ngã tính chúng ta áp đặt ngay lập tức. Tức lúc đó không phải ‘ngũ uẩn là ta’ mà là ‘ta là ngũ uẩn’.

“Ở trong ngũ uẩn có ta và trong ta có ngũ uẩn” tức là chúng ta nói lên sự hàm chứa. Ta không nắm thế giới này trọn vẹn nhưng trong đó có cơ sở của ngã tính.

Như quí vị sống ở Houston, quí vị không thể nói Houston là tôi được. Nhưng đi đâu mà quí vị nghe ai chê Houston không ra gì là quí vị giận, là tự ái vì ‘ở trong đó có ta’
. Mà quí vị nghe người ta chửi TP Atlanta hay Miami thì ta không thấy gì, vì ‘ở trong đó không có ta’.
Đó cũng là thân kiến.
 
Sửa lần cuối:
GIỮ NĂM GIỚI ĐỂ SỐNG AN NHIÊN

Sư Giác Nguyên giảng

Một gia đình mà người cư sĩ thành tựu được năm giới thì bản thân người ấy có được một cuộc sống an toàn không sợ hãi:

- An toàn trong hiện tại và an toàn trong kiếp sau.
- An toàn trong đời sống và an toàn trước cái chết.


Nếu mình không đào sâu tán rộng thì với bài kinh này sẽ có người hiểu lầm nói là ‘tôi biết rồi’.

Nhưng thưa quí vị, ở đây có một vấn đề rất là quan trọng mà tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là, người Phật tử nào tối thiểu cũng có tam quy và ngũ giới, nhưng nhớ giùm là không phạm giới chưa hẳn là giữ giới.

Có nhiều người sanh ra trong một bối cảnh gia đình bối cảnh xã hội, văn hóa giáo dục không có tiện để làm chuyện sát sanh trộm cắp v.v... Khi biết đạo rồi họ thấy mấy cái giới đó dễ quá, họ tưởng là họ không phạm, như vậy không có đúng.


Năm giới gồm:

1. Không sát sanh


Không thể hiểu theo cái nghĩa là không giết là giữ giới sát sanh.

Những người lớn lên trong thế giới Âu Mỹ, hoặc trong gia đình có của ăn của để thì cơ hội nào để họ sát sanh đây?

Nhỏ thì trong vòng tay của cha mẹ ông bà đâu có phải mò cua bắt ốc, đâu có cơ hội mà giết các loại trùn dế muỗi mòng. Lớn lên thì ăn học đàng hoàng, ra làm kỹ sư bác sĩ có gia đình sung sướng hưởng thụ thì cơ hội nào để sát sanh. Cá tôm, heo bò, gà vịt toàn là do người ta làm; về nhà là có kẻ dọn ra cho ăn. Như vậy không gọi là giữ giới.

Không sát sanh nghĩa là có một ý thức sâu sắc rõ ràng vì đâu mình không giết, điều này mới quan trọng. Bởi mình biết rất rõ muôn loài lớn bé đều tham sống sợ chết. Không nỗi kinh hoàng nào trên đời này lớn bằng nỗi sợ chết. Đó là mối âu lo lớn nhất trong đời sống chúng sanh. Mình biết như vậy nên mình không có gieo rắc sự sợ hãi cho người khác bằng các tấn công, bạo lực, bạo hành. Không giết đã đành, mà làm cho người ta đau về thể xác, khổ về tinh thần cũng không nên.

Cho nên, không làm khổ người khác về tinh thần lẫn vật chất đó chính là hạnh tu của người biết Phật pháp.

Giữ giới sát sanh là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tánh mạng của chúng sanh khác.

2. Không trộm cắp

Cứ nghĩ rằng tôi không lấy của ai thì là tôi giữ giới. Điều đó không hẳn.

Tôi đã nói, mình lớn lên trong một bối cảnh gia đình xã hội đặc thù nào đó mình cũng đâu có làm chuyện này. Chẳng hạn như bên Thụy Sĩ đất nước tôi đang ở, có rất nhiều nông trại người ta đem nông sản ra bày ra trong một cái chòi lá. Họ có để bảng giá, cà tím bao nhiêu, cà chua bao nhiêu, khoai tây, bắp đậu giá bao nhiêu. Có cái thùng. Mình nhìn giá biểu đó, thích thì mua, tự mình cân rồi bỏ tiền vào trong thùng đó. Phải chuẩn bị bạc lẻ để trả chứ không ai thối cho mình đâu.

Một đất nước như vậy thì người dân đâu có cơ hội ăn cắp. Nhưng nói như vậy không hẳn là người dân Thụy Sĩ được gọi là người giữ giới trộm cắp. Giữ giới trộm cắp ở đây là mình có một ý thức rõ ràng, vì đâu mình không lấy của phi nghĩa, vì đâu mà mình không lấy món vật chất chưa được cho. Bởi vì không cần tới pháp luật, thứ nhất, chỉ nói tới đạo đức làm người, ai cũng có cái quyền tư hữu, ai cũng muốn tài sản vật chất của mình không bị sứt mẻ, không bị mất mát.

Ai cũng sợ mất mát, ai cũng muốn mình được toàn vẹn mọi thứ.
Người khác lấy của mình, mình đâu có chịu, vậy tại sao mình lại lấy của người khác.


Lý do thứ hai, trong tinh thần rốt ráo nhất của người biết đạo thì cái của mình là mình đã không nên tham đắm, nói gì cái của người khác. Một người luôn luôn sống trong ý thức mọi thứ phù du, luôn luôn sống trong ý thức rằng giá trị tinh thần niềm vui tâm linh lớn hơn việc sở hữu vật chất thì thấy chuyện sang đoạt chiếm hữu của phi nghĩa là điều đương nhiên phải tránh. Mình đâu có thể ăn đời ở kiếp với số vật chất mình lừa đảo lật lọng của người ta. Vài trăm ngàn, vài triệu đô la lấy xong rồi cả đời trốn chui trốn nhủi không dám nhìn mặt ai hết. Trời đất bao la mà cứ sống như chuột chù, như giun dế thì có đáng hay không.

Hiểu được như vậy thì mình luôn luôn sống trong ý thức rõ ràng mình không có sang đoạt của ai hết. Hôm nay mình gieo nhân nào thì mai kia mình bị cái quả y chang như vậy. Hôm nay mình sang đoạt chiếm hữu của người khác thì mai kia sanh ra một là nghèo khó hai là những thứ mình có được cũng dễ dàng mất mát (do thiên tai, nhân họa, chiến tranh hay trộm cướp). Có những người giàu có nhưng không giữ được của.

Nói theo trong kinh là do tiền nghiệp đã không giữ giới trộm cướp nên đời sau sanh ra thì một là không có tài sản, hai là nhờ phước bố thí mà có được tài sản nhưng giữ không được. Có nhiều ngõ để rò rỉ thất thoát lắm. Cuối năm 2017, có hai người quen của tôi cũng tương đối có của ăn của để. Trước Tết vài hôm thì cả hai đều bị mất một số tiền rất lớn, vài trăm ngàn đô. Một người thì bạn bè lừa gạt, người kia thì do chơi stock, bitcoin gì đó. Tiền bạc mà muốn đội nón ra đi thì nhiều cớ lắm. Vợ chồng con cái người thân bệnh hoạn, hoặc họ hoang phí bài bạc hút chích gì đó thì mọi thứ đội nón đi hết. Hiểu như vậy mình mới sợ.

Tinh thần cao nhất của Phật pháp đó là của mình hợp pháp mà mình còn không nên chìm đắm thì nói gì là dòm ngó của người khác

3. Giới tà dâm.


Vì nhu cầu tình cảm, tình dục mà chúng ta đi tìm đến những đối tượng ngoài luồng. Nên nhớ rằng con người khác con thú ở chỗ sự chừng mực và biết chuyện. Biết cái gì nên hay không nên, chỗ nào là ranh giới phải dừng lại. Xã hội nào cũng tán thán tôn vinh chế độ một vợ một chồng. Và những tình cảm ngoài luồng tuyệt đại đa số là có kết cục không đẹp.

Trong Kinh định nghĩa tà dâm là quan hệ tình dục với những đối tượng xã hội lên án, ví dụ người đã có gia đình; hoặc người đang được gia đình, pháp luật bảo vệ như trẻ vị thành niên; hoặc có bạn bè thân thuộc muốn gìn giữ nó mà mình tìm cách chiếm hữu. Định nghĩa tà dâm hơi rộng như vậy chứ không phải chỉ đơn giản là dây dưa với vợ hay chồng người khác.

Tất cả là 21 hạng không thể đụng chạm tới, gom gọn lại hai là: người đã có gia đình, và người đang được giám hộ bởi đoàn thể hay cá nhân nào đó.

Mình cứ nghĩ người ta thương mình, mình thương lại, hai đứa dắt nhau vô bụi, miễn sao chồng họ không biết, vợ họ không hay, thì trái đất vẫn hòa bình đâu có gì đâu. Nhưng không được, vì nếu thế giới này, hành tinh này mà mọi người tha hồ thích với ai thì đến với người đó thì chúng ta không còn niềm tin trong gia đình nữa. Cứ hở ra là sợ mất vợ mất chồng. Ai có máu ghen thì mới hiểu, mới thấy những người nghiêm túc trong tình cảm là đáng quý.

Giới tà dâm là một lằn ranh, vạch kẽ để phân biệt người và thú. Con thú không phân biệt được gì nên và không nên. Chỉ có con người mới biết rằng tài sản vật chất có quyền tư hữu và tình cảm con người cũng có tư hữu, không được xâm phạm của ai.

4. Giới nói dối.


Không nói dối chưa chắc là giữ giới. Bởi nhiều khi không có điều kiện nói dối.

Mình không muốn ai lừa dối mình thì mình cũng đừng lừa dối ai. Đại phúc và hữu hạnh thay cho kẻ nào được sống giữa những người mà mình có thể tin cậy được. Bất cứ nơi nào mà người với người không tin được nhau thì xã hội đó đoàn thể đó xem như vất đi.

Năm giới là giềng mối duy trì nền tảng đạo đức xã hội và trên nền tảng đạo đức ấy con người có thể tương thân tương ái tương kính lẫn nhau. Không tin được nhau thì còn gì để nói với nhau nữa.

Trong Kinh nói cái gì cũng có chu kỳ, cây cỏ hoa lá cũng có mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân thì cây cỏ xum xuê tốt tươi, mùa thu thì bắt đầu vàng úa, mùa hạ rụng rơi, mùa đông lạnh lẽo. Tùy mùa mà loài nào sống được loài nào chết đi. Đời sống của con người cũng có mùa. Có những thời điểm chúng sanh đặc biệt nổi trội về tâm linh.

Chẳng hạn như thời Đức Phật, những người tu hành đạo đức, chứng đắc, thánh nhân nhiều như nấm sau mưa. Trong khi đó có những thời kỳ mà chúng sanh nổi trội về văn minh vật chất, chẳng hạn như thời này, cách nhau một đại dương mà có thể vừa nói chuyện vừa nhìn mặt nhau, người kia rót trà người bên này có thể thấy làn khói lượn lờ bay trên chén, có thể quan sát nhau từng đường tơ sợi tóc, chúng ta có thể di chuyển trong không gian với tốc độ ngàn cây số một giờ.

Tùy chu kỳ mà chúng sanh trội về cái gì trong cái thiện và cũng tùy chu kỳ mà chúng sanh trội về cái gì trong cái ác.

Có những thời kỳ họ trội về tham, có những thời kỳ họ trội về sân. Xuân hạ thu đông trong thiên nhiên như thế nào thì tâm tình tâm thức của chúng sanh cũng có chu kỳ như vậy. Có những thời kỳ chúng sanh sung mãn về đạo đức thì cả hành tinh không có ai biết nói dối. Nói dối khi đó là một khái niệm trừu tượng.

Có lúc cả hành tinh này sống trong bối cảnh ‘********’ tuyệt hảo. Thời đó người ta chỉ kiếm ăn khi cần và không có khái niệm tích chứa, sở hữu, dành dụm và từ đó không có nhu cầu sang đoạt lừa đảo; không có kẻ nằm nhà mát ăn bát vàng, kẻ làm quần quật, không có gian thương đầu cơ, lừa lọc.

Thời đó người có thể tin người, người có thể quý người, người có thể thương người.

Còn thời này, muốn quý nhau cũng khó, muốn thương nhau cũng khó và muốn tin nhau càng khó.

Tùy vào chu kỳ biến đổi trong thiên nhiên và chu kỳ biến đổi tâm thức của chúng sanh mà thế giới này mỗi giai đoạn có điểm đặc thù như vậy đó.

Điều rốt ráo nhất trong giới nói dối là muốn giải thoát sinh tử muốn chứng Thánh thì anh phải thấy được 4 sự thật.

Thấy được sự thật là vấn đề quan trọng cốt yếu từ phàm sang thánh. Muốn thấy được sự thật thì ngay thuở còn phàm thì anh phải biết yêu sự thật.

Có yêu sự thật thì trong ngôn ngữ hay hành động mới không có dối trá, lừa đảo, lươn lẹo, lật lọng. Một người có hàm dưỡng thì chuyện lừa đảo lật lọng là cả vấn đề, còn với người thiếu hàm dưỡng thì chuyện nói dối rất dễ dàng đơn giản và thậm chí là lối thoát cho họ trong nhiều tình huống.

Còn với người có hàm dưỡng thì chuyện nói dối là cả một cực hình, kẹt lắm, khó khăn lắm

5. Giới uống rượu.


Kể từ khi tia nắng mặt trời đầu tiên rọi vào thân thể khi chúng ta ra đời vừa lọt lòng mẹ cho đến khi ta vào áo quan đậy nắp lại thì trong chuỗi thời gian ấy chúng ta liên tục và thường trực đối diện với bao nhiêu là bất trắc. Để đối phó, để sinh tồn trong một thế giới đầy những bất trắc thì chúng ta phải thường xuyên tỉnh táo. Đằng này chúng ta lại chối bỏ khả năng tỉnh táo ấy để chìm sâu trong nghiện ngập nào đó làm mê man thần trí

. Đó là chúng ta quay lưng lại với quyền lợi làm người của mình. Con người khác con thú ở chỗ là khả năng tỉnh thức.

Đời sống của chúng ta là một chuỗi năm tháng đối diện với bất trắc, bất trắc do con người, do thiên nhiên, và do bản thân. Để sống trong thế giới đầy bất trắc ấy chúng ta phải thường trực tỉnh thức để sống cảnh giác, phòng vệ. Ấy vậy mà chúng ta nhìn thấy những người say, những người ngáo đá. Cái cột điện cao thế mà dám leo lên trên, nóc nhà trơn tuột mà dám đứng nhảy múa. Một người say rượu thì như một con thú vậy, không biết nguy hiểm, không biết mắc cỡ hay sĩ diện, không biết cái gì là đẹp là xấu, là thiện là ác, là nên hay không nên hết.

Cho nên, điều thứ năm này, Đức Phật dạy, ngay cả khi chư Phật chưa ra đời, những người hiền trí ở đời cũng tôn trọng năm nguyên tắc chuẩn mực đạo đức này: không giết, không trộm, không dâm dục, không dối trá, không say sưa nghiện ngập. Đây là năm tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu cho một cá nhân, một xã hội, một đất nước

. Năm giới phải được thiết lập trên nền tảng ý thức, được khởi đi từ ý thức thì mới gọi là năm giới.

Nếu một người cư sĩ thành tựu năm giới trên một nền tảng ý thức như chúng tôi vừa nói nãy giờ, thì giới đó mới được gọi là giới hoàn bị. Còn không làm, không vi phạm nhưng thiếu ý thức trong năm tiêu chuẩn đạo đức ấy thì giới của mình vẫn chưa được xem là hoàn hảo.


Đức Phật dạy rằng trong một gia đình cư sĩ mà người cư sĩ thành tựu được năm giới thì ngay trong hiện tại trong thế giới loài người, trong xã hội mà chúng ta đang có mặt, chúng ta không có âu lo, mà còn được sự tín nhiệm thương quý; đồng thời nếu mình có đột ngột ra đi thì chỉ cần nhớ một điều thôi, mình đã sống đẹp quá, mình sống có chuẩn mực, mình sống có nguyên tắc, kiểu sống của mình không phải là kiểu sống của một chúng sanh thấp kém, vì vậy chỗ về của mình dứt khoát phải là chỗ cao cấp rồi.

Người cư sĩ nhớ chừng ấy thôi là xuôi tay nhắm mắt có thể cười được. Mình nhớ mình đã sống ra sao là được rồi, tự nhiên đi mình thấy thanh thản, dầu cho mình không có thần thông, mình không biết rõ lắm về thiên đường địa ngục, kiếp trước kiếp sau, nhưng tối thiểu mình nghĩ nếu có một cõi lành thì cõi lành ấy phải dành cho những người có đạo đức về đó. Đó là niềm tin của người có giới.

Chính vì vậy Phật dạy người cư sĩ có năm giới thì sống không có sợ hãi, luôn sống với sự bằng an trong tâm hồn.
 
Sửa lần cuối:
ĐI HÁI PHÙ VÂN

Suy cho cùng, kiếp người hay cuộc tu chỉ là những lần ghé lại đâu đó.
Nói ở nghĩa nào thì người ta không ai có thể chung thân với một thứ gì miên viễn.
Mình không bỏ nó thì nó cũng xa mình.
Ta có thể mất nó vì nhàm chán hay không còn cơ hội nắm níu.

Và cái mà ta yêu nhất cũng có nhiều kiểu bỏ ta ở lại mà đi.

Hồi xưa bắt chước theo kinh mà nói thì cái gì cũng là bè cỏ qua sông...
Giờ có thêm tí tuổi, nhiều lúc nằm ngẫm nghĩ một mình, thấy câu nói ví von đó hay quá chừng, hay đáo để.

Kinh chép:

Ngày xưa có ông đạo sĩ Sumedha thừa sức chứng quả La-hán, nhưng ông không cam tâm giải thoát gọn nhẹ, lặng lẽ và an nhàn như thế. Ông chỉ muốn thành một vị đại giác y hệt Thế Tôn Nhiên Đăng để mà gồng gánh thiên hạ. Phật nhìn kỹ căn cơ của ông không phải loại xoàng, bèn ừ cho một tiếng. Ông vui quá, trở thành Bất Thối Bồ-tát, đời đời thủy chung với đại nguyện của mình.

Kinh nói Thế Tôn Cồ Đàm chính là kiếp cuối cùng của ông đạo sĩ Sumedha ngày trước.

Khổ tu chừng đó thời gian, thành Phật rồi chỉ sống thêm 45 năm thì bỏ đời mà đi. Trước sau thọ lượng chỉ vừa vặn 80 năm ngắn ngủi. Với Ngài vậy cũng là quá nhiều. Bởi nào ai biết Ngài từng có ý viên tịch từ năm 35 tuổi, ngay sau khi thành Phật. Với những người nặng tình với Phật thì thời gian 80 năm đó chẳng bõ bèn gì.


Đến ngài Ānanda còn thấy Phật đi quá sớm, tôn giả đã khóc thầy bằng nước mắt của một bậc thánh. Thôi thì gì cũng một áng phù vân, khác nhau chăng là mây lành ngũ sắc hay mây xám báo giông. Khoảng ba tháng sau ngày Phật tịch, hiểu ra chuyện đó, tôn giả Ānanda không buồn nữa. Rồi thì đến phiên ngài cũng theo Phật mà đi biệt!

Đó là chuyện của thánh hiền. Còn với phàm tâm thì sao chứ?
Lại cũng vẫn là chuyện được rồi mất. Mất có hai cách:

Một là không muốn giữ nữa nên buông; hai là bàn tay quá yếu không đủ sức nắm níu nên đành để vuột mất.

Cái quan trọng là người ta có thấy được cái nguyên tắc khốc liệt của cuộc đời là anh phải lần lượt bỏ lại hết để mà đi tới hay không.

Thằng bé phải buông hết những món đồ chơi của trẻ con để trở thành người lớn.

Đó cũng là một hành trình trong đời. Rồi thì tầm nhìn của thiên hạ phải tiếp tục đổi khác để có thể yêu lấy những người không phải thân thuộc huyết thống. Yêu được một người dưng nào đó thì các cô cậu bắt đầu trưởng thành. Giai đoạn này lại cũng chỉ là một chặng đường phải vượt qua. Rồi sẽ có một ngày, yêu hay không chẳng còn là chuyện đáng nói nữa. Vấn đề lúc này chỉ đơn giản là có cần thiết hay không mà thôi. Thích hay không chỉ là chuyện phụ. Bước tới được giai đoạn này, hầu hết đều là những tay có hai màu tóc.
Đó là chuyện đời.


Chuyện đạo ngẫm kỹ hình như cũng đâu khác gì. Giai đoạn tu chứng nào cũng chỉ là một trạm dừng qua đêm, mai sáng phải tiếp tục đi về phía trước, lên trên cao. Ai nghỉ chân lâu quá, coi chừng cuộc đi đang nảy sinh vấn đề. Đã gọi là con đường thì lúc nào cũng chỉ để đi, không phải để ở. Muốn lên đỉnh núi, phải biết rời khỏi chân núi. Mọi thành tựu trên đường hành đạo đều chỉ là những lữ quán, những bến đò, những sân ga, phi cảng.

Có những cuộc lên đường chất đầy những kỷ niệm như xe bò chở đá.
Có những cuộc lên đường nhẹ nhàng như mây trắng đầu non.
Hành giả trên đường tu phải là kẻ hành nhân một đời làm những cuộc giã biệt.


Nói thiệt, con đường nào cũng có những trở ngại, nhưng ai dám bảo mình chưa từng lưu luyến một nơi chốn nào đó trên những dặm trường đã một lần ghé qua. Rồi thì nói một cách đau lòng nhưng không thể khác hơn, là ai cũng phải cắn răng mà băng mình đi về phía trước, hướng tới những chiều cao mà mình chưa đến được. Nguyên tắc thì nghe đơn giản vậy, nhưng thực tế không một hành giả nào đến đích mà chân không rướm máu, chưa kể một trái tim rách bươm với những gai cỏ tàn độc trên đường.

Không bỏ được cái thích, người ta làm sao có được những thứ cần. Tôi được em, có nghĩa là tôi phải mất bản thân tôi. Càng sống nhiều với những ràng buộc, tôi càng đánh mất những cơ hội tự do. Chợt nhớ một câu danh ngôn dành cho mấy người mê mua sắm: “Khi anh mất tiền cho một thứ vô ích nào đó, có nghĩa là anh cũng đang làm mất số tiền để mua một món cần thiết nào đó!”. Tiền bạc thì trên đời có nhiều người thừa sức hoang phí. Nhưng tuổi đời thì không bao giờ được vậy. Ai cũng chỉ có nhiều lắm là trăm năm cho một kiếp người. Còn ăn, hết nhịn. Vậy mà trớ trêu thay, thời gian lại là thứ bị người ta tiêu hoang thường nhất.

Những dặm đường ngát hương hoa cỏ, những không gian mây trắng trời xanh, những tuyết trắng, nắng vàng, rồi thì áo hồng áo lục, chung tình hay phụ bạc, thề non hẹn biển gì rồi cũng một cuộc biển dâu...
Gì cũng phải bỏ lại hết để mà đi.
Đi về đâu mới được chứ? Ừ thì một cõi phù vân!
 

Pháp Tài Lữ Địa

Trong kinh nói rất rõ. Khi hành giả tu Tứ niệm xứ chuyện đầu tiên là Pháp, Tài, Lữ, Địa.

Pháp có nghĩa là phải có đề mục. Và đề mục đó là do kiến thức, tức là phải có học giáo lý đàng hoàng. Phải có hiểu, có nhớ, phải có học qua.

Tài ở đây là cái điều kiện vật chất. Thí dụ như y phục, thực phẩm thích hợp. Chứ mấy cái đó mà mình chê, mình nói "tu là tu tâm" là mình nói khoác. Nói "tu tâm không có lo vật chất" là đúng. Tu mình phải đơn giản, kiệm bạc. Nhưng điều kiện tối thiểu mình phải có. Bởi vì mình chưa đủ năng lực để vật qua một bên mà lo hết cho tâm đâu. Tâm với vật phải đề huề.

Pháp là về mặt tâm linh tinh thần phải có chuẩn bị kiến thức trước.

Phải có cả nhận thức và kiến thức trước. Tại sao tôi phân biệt nhận thức và kiến thức? Tại vì có người có kiến thức chứ không có nhận thức. Họ học như vẹt nhưng khả năng tiêu hoá không có nhiều. Tôi có biết nhiều vị rất giỏi về A tỳ đàm, mở miệng ra là 15, 18, 23, 41, nói ào ào nhưng họ không biết đưa nó vào trong thực tế tu chứng. Cái đó mới chỉ là kiến thức. Hiểu được cái linh hồn, cái tinh hoa, cái cốt yếu thì đó mới là nhận thức. Có những người khả năng nhận thức rất tốt, nghe đâu hiểu đó nhưng mà vì thiếu kiến thức cho nên cũng thiếu căn bản, cũng không được. Cho nên phải có nhận thức và kiến thức thì 2 cái này làm nền tảng cho quí vị tu học mai sau cho cả đời sống lẫn cuộc tu

. Thì đó gọi là Pháp. Tài là điều kiện vật chất.
Còn Lữ ở đây là gì?
Lữ đây là thầy bạn.

Thầy là người trên mình dạy cho mình. Còn bạn là người ngang với mình, chia xẻ với mình, trang lứa với mình, cùng khóa cùng lớp với mình. Lữ rất là quan trọng. Tây phương có câu "Anh nói cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ nói con người của anh như thế nào". Trong chú giải ghi rõ những điều kiện để phát triển thiện pháp và ác pháp, trong đó có một điều kiện tiên quyết, đó là gần gũi với ai. Anh muốn trau dồi chánh niệm thì anh phải ở gần người chánh niệm, anh muốn điềm tĩnh thanh thản thì anh phải ở gần người điềm tĩnh thanh thản, anh muốn hào sảng rộng rãi mà anh ở gần người bủn xỉn thì sớm muộn gì anh cũng chết.

Tôi đã nói nhiều lần, tâm lý chúng sinh đi theo hệ thống như sau:

Buổi đầu mình sống với người ta trong tâm thức đối kháng. Có nghĩa là mình không có vừa ý. Nhưng mình ở lâu thì từ tâm thức đối kháng nó chuyển qua tâm thức hòa giải, thấy chuyện đó là bình thường. Rồi sau đó mình thấy nó hay hay và từ hòa giải nó chuyển qua thỏa hiệp. Từ thỏa hiệp cuối cùng nó chuyển qua giai đoạn mình bị đồng hóa, mình giống người ta hồi nào không hay.

Mình sống trong tâm thức đối kháng thì rất là mệt. Ở gần cái người mà họ nhiều chuyện quá, ở gần người bủn xỉn quá, ở gần người có tánh ganh tỵ quá mình rất là phiền. Thì đó là tâm thức đối kháng. Nhưng lâu dần mình qua giai đoạn thứ hai là tâm thức hòa giải. Mình thấy nó bình thường, mình thấy nó hay hay và cuối cùng mình thành ra nó hồi nào không hay. Như vậy đối kháng - hòa giải - thỏa hiệp và đồng hóa. Đó là Lữ, là điều kiện thứ 3.

Thứ tư là Địa. Nghĩa là anh sống ở đâu, đất nước nào, vùng miền nào, khu vực nào, trụ xứ nào, tu viện, thiền viện nào.

Chưa hết. Cốc liêu nào, cái giường anh kê ở đâu, chỗ anh thường ngồi thiền ở chỗ nào. Đừng có nói là anh về Miến Điện là OK rồi. Sai. Anh ở Yagoon khác ở Mawlamyine, mà anh ở Mawlamyine không giống như anh ở Mandalay, Mandalay không giống Taunggyi, Taunggyi không giống Heho, mà Heho không giống Pyin Oo Lwin, Pyin Oo Lwin Pa Auk không giống U Pandita, mà U Pandita không giống Chamyai Mahasi, mà Chamyai Mahasi không giống với Kalama. Kalama là một ngọn đồi, các vị ở cốc trên không giống ở triền đồi, vì hướng gió. Ở cùng triền đồi cũng không có giống nhau vì trong các phòng cửa sổ ngó qua vườn hay ngó qua tháp, và cũng 2 phòng đều ngó ra vườn thì còn tùy cái giường mình đặt ở đâu.

Cho nên chữ Địa quan trọng lắm. Trước hết là trú xứ, đất nước, lãnh thổ, khu vực, vùng miền, tỉnh lỵ, quận xã, cuối cùng là thiền viện nào học viện nào và trong đó mình ở đâu và nó phải thật sự thích hợp. Bởi vì tôi biết bên Thụy Sĩ là xứ lạnh, một năm từ mát cho tới lạnh là 9 tháng chỉ 3 tháng hè là nóng cho nên nắng chiều người ta khoái và không có sợ. Nhưng dân Thụy Sĩ không thể nào ôm cái kinh nghiệm nắng chiều ấy, cái tâm tình nỗi niềm ấy mà qua bên Miến Điện là chết. Ôm cái nắng chiều của Thái Lan, Miến điện, Việt nam là chỉ có chết thôi.

Cho nên Địa là cái trụ xứ của mình rất là quan trọng. Tổng cộng lại, muốn làm một hành giả ngon lành, qúi vị phải chú ý 4 điều là Pháp Tài Lữ Địa. Bốn cái này phải có trước rồi mình mới tu tập ngon lành được. Thì đó gọi là Tiền Sanh Duyên, điều kiện đó có trước mới dẫn tới kết quả sau.
Bên phía bất thiện thì Pháp Tài Lữ Địa cũng y chang như vậy.

Pháp là gì?
Trong đầu của mình toàn là tỵ hiềm, ganh ghét, bủn xỉn, hờn giận, tham đắm, thích thú hưởng thụ tức là pháp của mình toàn là pháp bất thiện không.

Tài là điều kiện vật chất. Sống dưới mức trung bình hay dưới mức cần thiết thì đều được gọi là những điều kiện không nên, không tốt cho các vị tu hành.

Lữ là những người thầy, bạn tào lao. Bao gồm luôn những gì mình thấy, nghe, đọc, gặp gỡ, suy tư, giao tiếp, va chạm tiếp xúc mỗi ngày đều được gọi là Lữ hết.

Địa là có những trú xứ mình càng ở thì mình càng đổ đốn, càng bị sa đọa, càng xuống dốc, càng bị hướng hạ thay vì là hướng thượng.


Các vị xem lại bài kinh Khu rừng trong Trung bộ Đức Phật dạy rất rõ là có những người, những trú xứ mà mình càng ở gần mình càng tiếp xúc, mình càng có mặt chỉ có hại thôi. Có những người mình càng giao tiếp với họ thì thiện pháp của mình lại càng bị lui sụt. Có những trú xứ mà mình ở lâu ngày chỉ có đi xuống thôi. Ngài nói trong trường hợp người như vậy, chỗ như vậy thì chỉ có hại cho mình. Mình nên ra đi càng sớm càng tốt, nếu cần thì không cần từ giã cáo biệt.

Đời sống của mình rất là mong manh, sống nay chết mai, tuổi nào cũng có thể lăn ra chết và cơ hội để có được thân người là cực hiếm, nói gì là cơ hội được gặp chánh pháp vì chánh pháp chỉ được tuyên giảng khi có Phật ra đời. Các vị biết ngàn tỷ kiếp trái đất mới có một lần vị Phật ra đời. Có khi ra 2, 3 vị cách nhau không lâu như trái đất này. Nhưng có trường hợp trái đất này bị hoại rồi thì nó trải qua một A tăng kỳ đại kiếp không có Phật. Ở thế giới khác thì có thể, nhưng trái đất này khi nó hoại rồi thì ngay khoảng trống này nó sẽ mọc lên cái mới. Mà một A tăng kỳ là 10 lũy thừa 140. Nghĩa là con số 1 và 140 con số 0. Mình thấy tỷ là 9 con số 0 là đã thấy ớn rồi, mà cái này lên tới 140 con số 0 đại kiếp không có Phật ra đời.

Thân người lúc có lúc không là đã khó rồi. Trong kinh nói như trên biển có một tấm ván nhỏ, trên đó có một cái lỗ vừa cái đầu con rùa. Rồi có một con rùa mù ở dưới biển thí dụ 100 năm nó trồi lên mặt biển một lần và do cơ hội may mắn hạn hữu nào đó mà nó chọt được cái đầu của nó vô ngay cái lỗ ván đó, mà tấm ván thì cứ trôi dạt từ bên bờ biển này qua bờ biển bên kia, từ bờ Đông sanh bờ Tây. Ngài nói rằng cái chuyện ngẫu nhiên đó còn dễ hơn là chuyện chết rồi được mang thân người. Tuy nhiên, đó là nói cho người dễ duôi. Còn người có biết đạo có tinh tấn thì khác.


Người biết đạo thì mỗi lần sống chánh niệm là một lần mình trồi đầu lên. Có hy vọng lớn là chỗ đó chứ không phải nói vậy mình rung quá mình khỏi tu luôn. Có nghĩa là cơ hội làm người của mình nhiều hơn.

Một người có lòng tu tập trong kinh nói rất rõ là phải có Ba la mật.


Tức là nhiều đời nhiều kiếp đã từng sợ sanh tử, từng muốn chấm dứt luân hồi và tu tập công đức. Đó là công đức mà được thực hiện bởi lý tưởng giải thoát thì công đức đó được gọi là Ba la mật. Còn cũng công đức đó mà không gắn liền với lý tưởng giải thoát thì đó là phước báu hữu lậu, là công đức sinh tử.

Cũng công đức bố thí, niệm Phật, quét rác, chùi cầu nhưng bằng lý tưởng giải thoát thì đó là Ba la mật. Người mà có Ba la mật nhiều, sâu dầy, thì khi ra đời họ có được cái trí hiểu những điều mà người khác không hiểu, họ tin được những điều mà người khác không có tin, họ có khả năng tinh tấn mà người khác không có, họ có khả năng chánh niệm và thiền định mà người khác không có, nghĩa là tín tấn niệm định tuệ của họ tốt hơn người khác.
 
Cẩm Nang Tuệ Quán

Thuật ngữ Vipassanā (Tuệ Quán) phải được hiểu là tên gọi của thứ trí tuệ thấy rõ Tam Tướng trong Danh Sắc.
Sự đào dưỡng trí tuệ này chính là công phu quan trọng nhất trong Phật Giáo, mà cứu cánh rốt ráo là sự chấm dứt phiền não, chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát tất cả đau khổ.


Một hành giả muốn bắt đầu tu tập Tuệ Quán, trước hết phải biết qua những điều căn bản cần thiết như về 6 Tuệ Xứ (Vipassanābhūmi), 4 Niệm Xứ, …
Nhờ vậy trong việc tu tập sẽ không bị mơ hồ, nhầm lẩn. Tôi vừa nói là chỉ trình bày vắn tắt, nhưng nội dung vắn tắt đó chính là những gì tôi vừa giới thiệu. Trước hết, thế nào là 6 Tuệ Xứ (Vipassanābhūmi)?

Nguyên nghĩa chữ Bhūmi này là nơi chốn, địa điểm, nhưng ở đây ta có thể xem nó là chữ đồng nghĩa với Đề Mục, Án Xứ (Kammaṭṭhāna) hay cảnh sở tri – đối tượng tri nhận (Ārammana).

Người tu Tuệ Quán nhất thiết phải biết qua 6 Tuệ Xứ này.
Đó là: (1) Năm Uẩn, (2)mười hai Xứ, (3)mười tám Giới, (4)hai mươi hai Quyền, (5)Bốn Đế và (6)mười hai Duyên Khởi.


Nói gọn lại, toàn bộ 6 Tuệ Xứ này chỉ là Danh Pháp và Sắc Pháp mà thôi. Còn 4 Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) thì là 4 chỗ an trú của Chánh Niệm. Chánh Niệm ở đây là sự ghi nhớ đặc biệt thù thắng có thể dẫn tâm chứng nghiệm Niết Bàn.

Bốn Niệm Xứ bao gồm 4 thể tài căn bản: Thân Niệm Xứ, Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ.
A- THÂN NIỆM XỨ có 12 đề mục (pabba) để hành giả ghi nhận:

(1)Ānāpānapabba: Sự ghi nhớ từng hơi thở ra vào.
(2)Iriyāpathapabba: Sự ghi nhớ từng động tác đi, đứng, nằm, ngồi.
(3)Sampajaññapabba: Sự ghi nhớ trong từng sinh hoạt nhỏ nhặt như bước tới, bước lui, nhìn ngang liếc dọc, đắp y, mang bát, tiểu tiện, …
(4)Patikūlapabba: Quán tưởng 32 thứ uế trược trong thân thể như tóc, lông, móng, răng, da, …
(5)Dhātupabba: Quán tưởng bốn thành tố: đất, nước, lửa, gió trong thân.
(6-12) Asubhapabba: Quán tưởng thây người chết từ lúc mới tắt thở đến các giai đoạn sình trương, rĩ nước, phân hủy cho tới khi chỉ còn là xương trắng.

B- THỌ NIỆM XỨ gồm có chín đề mục để ghi nhận, mà nói gọn lại là ba cảm giác: Khổ, Lạc, Xả, của thân tâm trong các trường hợp có hay không có liên hệ đến vật dục (āmisa)

C- TÂM NIỆM XỨ gồm có 16 đề mục ghi nhận (tâm mình đang ra sao thì biết rõ như vậy):

(1)Sarāgaṃ: Tâm có ái nhiễm.
(2)Vītarāgaṃ: Tâm không có ái nhiễm.
(3)Sadosaṃ: Tâm có sân hận.
(4)Vītadosaṃ: Tâm không có sân hận.
(5)Samohaṃ: Tâm có si mê.
(6)Vītamohaṃ: Tâm không có si mê.
(7)Sankhittaṃ: Tâm có trạng thái hôn thụy.
(8)Vikkhittaṃ: Tâm phóng dật.
(9)Mahaggataṃ: Tâm đang trú trong thiền Sắc hay Vô Sắc Giới.
(10)Amahaggataṃ: Tâm không an trú trong loại thiền định nào.
(11)Sa-uttaraṃ: Tâm Dục Giới.
(12)Anuttaraṃ: Không phải tâm Dục Giới.
(13)Samāhitaṃ: Tâm có Định.
(14)Asamāhitaṃ: Tâm không có Định.
(15)Vimuttaṃ: Tâm không có phiền não.
(16)Avimuttaṃ: Tâm chưa thoát phiền não.

D- PHÁP NIỆM XỨ có 5 đề mục:

(1)Nivaranapabba: Quán xét về năm triền cái.
(2)Khandhapabba: Quán xét về năm Uẩn.
(3)Āyatanapabba: Quán xét về 12 Xứ.
(4)Bojjhangapabba: Quán xét về 7 Giác Chi.
(5)Saccapabba: Quán xét về 4 Đế.

Trong tất cả đề mục vừa kể trên đây, có những thứ chỉ có thể là án xứ cho pháp môn Tuệ Quán (Vipassanā), nhưng có những đề mục thích hợp cho cả pháp môn Chỉ Tịnh (Samatha). Ở đây, đề mục Tứ Oai Nghi (Iriyāpathapabba), đề mục Tỉnh Giác (Sampajaññāpabba) và đề mục Tứ Đại (Dhātupabba) chỉ có thể là án xứ Tuệ Quán.

Đề mục về Hơi Thở (Ānāpānapabba) có thể áp dụng cho cả Chỉ Quán. Hai đề mục Thể Trược (Patikūlapabba) và Tử Thi (Asubhapabba) cần được tu tập Chỉ trước Quán sau. Riêng về Thọ Niệm Xứ, Tâm Niệm Xứ và Pháp Niệm Xứ thì chỉ có thể là án xứ Tuệ Quán mà thôi.

Bốn Niệm Xứ phân tích theo năm Uẩn thì như sau:

(1)Thân Niệm Xứ thuộc về Sắc Uẩn (Sắc Pháp-Rūpadhamma).
(2)Thọ Niệm Xứ thuộc Thọ Uẩn (Danh Pháp -Nāmadhamma).
(3)Tâm Niệm Xứ thuộc Thức Uẩn (Danh Pháp).
(4)Pháp Niệm Xứ thuộc cả năm Uẩn, nên vừa là Danh Pháp vừa là Sắc Pháp.

BỐN NIỆM XỨ VÀ CÁC CƠ TÁNH (CARITA) CHÚNG SANH

Đề mục tu tập và khuynh hướng tâm lý của hành giả luôn có một quan hệ rất đáng kể.

Đó là lý do phải có thêm phần dẫn giải này.
Ở đây các ngài đặc biệt nhấn mạnh hai khuynh hướng phiền não ở các hành giả là Khát Ái và Tà Kiến.


Thân Quán Niệm Xứ rất thích hợp cho người nhiều tham ái và ít trí tuệ.
Thọ Quán Niệm Xứ thích hợp cho người nhiều tham ái nhưng cũng có nhiều trí tuệ.
Tâm Quán Niệm Xứ thích hợp cho người nhiều tà kiến và kém trí tuệ.
Pháp Quán Niệm Xứ thích hợp cho người nhiều tà kiến nhưng cũng nhiều trí tuệ.



Cẩm Nang Tuệ Quán
Nguyên tác Thái Ngữ: Achahn Naeb
Bản dịch tiếng Việt: Tỳ khưu Giác Nguyên
 
Tản Mạn Tâm Tư

Không học Phật pháp thì không biết đường nào để giải thoát, nhưng cái thấy trong lúc chứng ngộ – tuyệt nhiên không giống với những gì ta đã học. Tấm bản đồ không phải con đường, càng không phải chỗ mình muốn đến. Nhưng bỏ mất nó thì có mà chết, mà ôm cứng lấy nó cũng chết. Muốn tu học ngon lành, hãy hỏi mấy em hướng đạo sinh cách dùng bản đồ.
Công đức bố thí giúp ta được giàu có, nhưng giá trị của sự giàu có không bằng một phần triệu của cái tâm bố thí. Dẫu ta có giàu đến cỡ nào đi nữa.

Người tu hành phải biết sống vô sản, nhưng không tài sản chưa hẳn là sự tu hành.
Cái tâm không tha thiết vật chất là tâm của hiền thánh.
Sự nghèo khó trong nỗi thèm khát nọ kia chỉ là đời sống của loài ngạ quỷ.


Người ta nói té ở đâu thì phải đứng lên từ chỗ đó. Mọi khổ ải trầm luân luôn bắt đầu từ sự có mặt của ngũ uẩn, nhưng không biết nhìn lại ngũ uẩn mà có thể giải thoát thì là chuyện xưa nay chưa từng.

Những may mắn ta có được bây giờ chỉ là quả lành từ quá khứ.
Một người điên hay đứa con nít chỉ biết trái xoài trên tay, không biết phải làm sao để sau đó có thêm những trái xoài khác.


Thuyết Pháp và lập chùa là giúp người khác tu tập. Nhưng người làm hai việc đó thường rất dễ quên mình. Xưa nay kẻ trúng số hiếm bao giờ là người bán vé số. Không hiểu tại sao.

Kẻ tu hành cứ lo đi đứng đây kia thì tâm tư dễ bị loạn động. Nhưng ở hoài một nơi coi chừng tâm tư tù đọng. Nếu phải đi, lòng cần như gió và nếu phải ở, tâm nên như nắng, đốm nắng bên thềm.

Giới luật là dãy hàng rào bảo vệ người, đất và tài sản bên trong, chớ không phải để giam hãm, nhốt tù chủ nhân.
Ý nghĩa của chuyện tu hành là để bỏ được cái gì, không phải để có được cái gì. Hai động từ này đã thay đổi lịch sử Phật giáo.
Một sợi tóc hay chiếc lá me nhỏ xíu có thể khiến ta dầm mình trong một niềm vui hay nỗi buồn chất ngất. Vậy mà nhiều lúc đi ngang một ngọn núi hay hồ nước mênh mông, ta vẫn không có cảm giác gì đặc biệt. Ở đời không có gì là nhỏ hay lớn tuyệt đối, cái cốt tử là lòng mình ra sao.

Đọc báo thấy sự ngoan hiền tuyệt đối của người dân Triều Tiên, rồi nhìn lại sự răm rắp của Phật tử và giáo dân một số nơi, nhiều người thấy tiếc đến nhói ruột. Ước gì kẻ lãnh đạo của bầy chiên lành đó biết tận dụng sự trung thành tận tụy kia một cách thông minh và thiện chí, thì chuyện tốt nào làm không xong chứ. Người ta chỉ biết chăn nuôi nhằm những mục đích rất nhỏ nhoi.

Trên mấy chiếc máy bay dân sự của Mỹ luôn có câu này ở lưng ghế trước mặt hành khách: Life Vest Under Your Seat.
Phao cứu hộ nằm ngay bên dưới ghế ngồi của bạn.
Ô hay, câu này nghe quen quen, hình như có một câu Pháp Cú cũng có nội dung tương tự!


Mấy chục tuổi đầu, một ngày nhận ra chuyện này lạ lắm. Một người thông minh và thiện chí vị tha đến mấy cũng mặc, cứ trao tay họ chút quyền lực thì hầu hết ai cũng đột nhiên ngu, ác, và tham giống hệt nhau. Khác biệt chăng là hình thức biểu hiện. Tôi lạnh người khi tìm hoài đến giờ vẫn không thấy ngoại lệ.

Người cư sĩ càng ít hiểu biết giáo lý thì cơ hội làm nô lệ sẽ lớn hơn cơ hội làm đệ tử của Tăng ni.
Ở một số cửa hàng bên Mỹ, người ta ghi câu này trên cánh cửa phòng vệ sinh: No Merchandise Beyond This Point. Tạm hiểu là đừng mang hàng hóa vào đây, hoặc chuyện buôn bán là ở ngoài kia, không phải trong này. Trời ạ, lẽ ra câu này phải được treo ở nhiều nơi lắm.

Người ta ít khi có hứng thú với món hàng mình đang bán, cần thứ gì tương đương thì vẫn thích tìm đến mua ở chỗ khác. Người tu học coi chừng mình cũng vậy, qua ngày dài tháng rộng không còn tin vào những gì mình vẫn rao giảng tuyên truyền. Đưa người vào đạo, còn mình hướng tâm về đời.

Buôn có bạn, bán có phường. Trong cửa thiền hình như cũng thế. Người tinh tấn hay giải đãi luôn đi theo nhóm, nhóm càng đông thì quan điểm của mình càng được củng cố. Cái bậy được nuôi dưỡng lâu ngày cũng thành ra một cái đạo chứ chẳng chơi!

Mọi kiến thức và suy tư ngoài kinh điển phải được quy chiếu trên kinh điển, nhằm chứng minh Phật pháp uyên nguyên, không phải những thứ có thể thay thế lời Phật. Vào youtube nghe Tăng ni bây giờ thuyết giảng dễ thấy mọi sự đang đi ngược lại.
Người có nghe thấy chút ít về Phật, mỗi khi có chuyện đau buồn thì thường muốn tìm về bên chân Phật. Khổ nỗi có được mấy người lúc vô sự lại chịu nghĩ đến việc xây dựng một Phật giáo ngon lành. Thế là cái Phật giáo mà thiên hạ tìm đến lúc hữu sự chỉ là một biển hiệu mang tính biểu hiện.

Ai cũng sợ chết, sợ bị đoạ, nhưng kiểu sống của thiên hạ thì giống hệt như hai chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Dù chúng có thể đến ngay đêm nay hay sáng mai không chừng. Ngộ thiệt.

Lời dạy nguyên thủy của đức Phật rất thực tiễn, dễ chứng minh qua đời sống thực tế. Nhưng không hiểu sao người học Phật hôm nay lại chỉ dốc lòng tin vào những điều huyễn hoặc xa vời, và chê lời dạy thứ thiệt của Phật là tiểu thừa nhỏ bé. Sợ sách cắn hay sao mà ngại nghiên cứu kỹ lưỡng một chút. Thời mạt thế rồi sao chứ!

Ăn gì cũng sợ dư mỡ, dư đường hay cao huyết áp. Vậy mà về tinh thần thì bất cẩn đến khó hiểu, ai nói gì cũng tin, cũng cố nhét vào óc như là lời thánh. Bảo là ngu thì giận. Người ta thương mình mà lại hận người ta. Thế có nên không?

Học vị hay bằng cấp trong đạo lẫn ngoài đời luôn rất cần thiết, nhưng nó là bảo chứng cho một trình độ kiến thức có thiệt, không phải cái có thể thay thế cho kiến thức mà mình chưa có. Không gì nguy hiểm cho bằng việc ngồi lên một phi cơ mà người lái không có đủ kiến thức của một phi công.

Kẻ viết bài này chỉ là một gã tục tử, chọn cách nói để chúng chửi, còn hơn là im lặng ỡm ờ để mặc những điều trái khoáy mặc nhiên tồn tại ở đời. Viết xong có vì vậy mà chết cũng tốt hơn là sống trăm tuổi mà làm con hến vô tri, vô trách nhiệm.

Mong lắm vậy thay!
 
NHỚ PHẬT

Chỉ một lần lòng hướng về Phật, chỉ một lần cầu đạo giải thoát thì có trôi dạt về đâu đi nữa chúng ta cũng có cách trở về thôi. Có được hạt giống bồ đề, có được chủng tử giác ngộ thì không sớm thì muộn chúng ta cũng có cách.

Trong chú giải của bộ Apadāna tập một, nói rằng nếu một người không có tâm nguyện gì đặc biệt thí dụ không nguyện thành Phật Chánh Đẳng Giác, Độc Giác hay Thanh văn giác, nếu người như vậy mà có lòng cầu đạo giải thoát thì những công đức họ làm được xem là Ba-la-mật.

Nếu một thời gian quá dài, quá lâu mà không vị Chánh Đẳng Giác nào ra đời, với một người có lòng cầu đạo giải thoát tha thiết cộng với sự tu thiện không ngừng thì tự nhiên chuyển thành Độc Giác.


Niềm tin của mình đối với Đức Thế Tôn sẽ dẫn đến công đức rất lớn, tuy nhiên niềm tin đó phải tùy thuộc vào sự hiểu biết của mình về Ngài. Muốn hiểu được ân đức của Phật trước hết phải học giáo lý để nhận thức của mình về Đức Phật càng sâu càng rộng.

Tôi có những lời nguyện như: “Con nguyện từ nay cho đến ngày con được vô sanh bất diệt, bao nhiêu công đức đã làm chuyển hết vào tài khoản giác ngộ. Xin tất cả những công đức đó hãy biến thành nguồn lực để mai này con đủ điều kiện tâm lý diệt trừ phiền não trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Mỗi lần tôi cắt hoa hồng vô tôi cúng cho Ngài tôi chỉ niệm một điều thôi: “Ngài xứng đáng nhận những hoa này, đời Ngài là hoa, con xin cúng hoa cho Ngài”.

Khi tôi thắp hương đối trầm cho Ngài tôi cũng chỉ niệm: “Xin cho con được giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương như của ngài”, hoặc những khi lạy Phật tôi chỉ niệm có một câu thôi: “Ngài là người đã làm chuyện khó làm, đã nhịn chuyện khó nhịn, đã cho cái khó cho, nên Ngài đã thành tựu cái khó thành tựu”, chỉ vậy thôi.

Chứ còn tôi sợ nghe niệm Phật mà cứ đọc ê a như con két mà không biết những gì mình đọc như Điều Ngự Trượng Phu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Minh Hạnh Túc là cái gì. Đối với tôi mà nói, niệm Phật mà không có cái lòng dính vào đó giống như niệm nam mô Lê Văn Hai, nam mô Nguyễn Văn Tèo vậy đó, không có ý nghĩa gì hết, niệm một nơi mà làm một nẻo.

Niệm Phật phải hiểu được ý nghĩa; nên tôi nhắc ở đây chuyện rất quan trọng, phước báu của mình khi mình lạy Phật, lễ Phật, cúng Phật công đức sẽ nhiều ít tùy thuộc vào khả năng hiểu biết về Ngài.

Nếu một người tin Phật, tu Phật thì trong từng ngày, từng giờ phải để ý xem con đường mình đang đi, kiểu sống mình đang sống, thế giới mình đang có mặt nó ra làm sao. Đừng tưởng rằng mình đang ở dưới mái che có vách có cột có sàn có trần là đang ở trong nhà. Nếu ta đang sống bằng tâm bất thiện thì đó là chuồng cũi lồng chậu của bàng sanh. Nếu ta đang sống bằng bốn pháp cộng trú thì đó là Phạm cung và cảnh giới của Phạm thiên. Nếu ta đang sống trong trí tuệ trong tam tướng danh sắc, thì đó chính là trụ xứ của thánh nhân.

Có nhiều cách nhớ Phật:

Nhớ Phật đại bi không muốn ai bị khổ như vậy; Phật đã dạy dỗ chúng sanh về chánh pháp để chúng sanh tu hành giải thoát và không bị cảnh này.

Như bà Suppavasa, trong lúc sanh khó đã niệm tưởng thế này: “Thế Tôn là vị đã tu hành tới nơi tới chốn, chấm dứt nỗi đau mình đang chịu, kiếp cuối cùng Ngài không còn sinh tử để chịu cảnh như mình; Thế Tôn là vị đã thuyết giảng chánh pháp có nội dung hướng dẫn người ta đạt đến giải thoát không bị nỗi đau như mình đang chịu; chư tăng và đệ tử Thế Tôn đang trên đường tu tập để chấm dứt nỗi đau này”.

Phải như vậy mới là niệm chớ không phải niệm Buddho Buddho Arahaṃ Arahaṃ như con két.
Phải niệm là Thế Tôn không còn nỗi đau này và Ngài đã dạy dỗ chúng sinh thoát khỏi nỗi đau khổ sợ hãi này; chánh pháp của Đức Thế Tôn thuyết giảng là chấm dứt nỗi khổ này.


Niệm là phải thường xuyên tâm niệm rằng cái gì có sẽ phải mất; niềm vui nỗi buồn và kể cả sự sợ hãi, có rồi sẽ mất;
trên đời này không gì đáng sợ bằng chuyện sa đọa, không gì đáng sợ cho bằng cái chết, ngoài ra thì là chuyện nhỏ.

Một người sợ sanh tử thì hình ảnh Đức Phật là hình ảnh tuyệt vời nhất, là sự an toàn, an lạc.
Một người có niềm tin nơi đạo thì ngoại trừ những phút dễ duôi riêng mình ra thì không có hình ảnh nào an toàn bằng hình ảnh Đức Phật.
 
Top